Gieo chữ trên non cao

Tôi có một người bạn, tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Khoa Ngữ văn với tấm bằng giỏi, vậy mà, sau khi ra trường bạn tôi lại chọn lên công tác ở một huyện vùng cao xa nhất, khó khăn nhất của tỉnh.

Thời chúng tôi ra trường, ngành giáo dục của tỉnh đang rất thiếu giáo viên. Nên vấn đề xin việc ở một trường thành phố cũng không phải là khó khăn. Hơn nữa bạn tôi lại tốt nghiệp loại giỏi ở một trường sư phạm chính quy mà tỉnh đang rất cần. Ngày bạn tôi nhận quyết định công tác, hai đứa rủ nhau đi ăn chè bưởi, coi như chúc mừng bạn đã chính thức là viên chức nhà nước. Hai đứa ăn chè, ngắm nhìn dòng người qua lại. Tôi hỏi bạn: “Sao không xin đi dạy ở một trường thành phố gần nhà đi lại cho đỡ vất vả, thỉnh thoảng lại được ăn món chè bưởi và ngắm nhìn đường phố”. Bạn tôi chỉ cười bảo: “Cậu chưa hiểu vùng cao đó thôi!”

Thế mà, ngoảnh đi ngoảnh lại bạn tôi đã có thâm niên công tác ở vùng cao hơn 10 năm. Chuyện buồn, chuyện vui bạn tôi đều kể. Đó là những lần bạn tôi và các thầy cô trong trường quyên góp những phần thực phẩm, mắm, muối, mì chính... để các em trọ học xa nhà cải thiện thêm bữa ăn. Hay việc phải kiên trì lặn lội đi bộ hàng chục cây số tới từng nhà vận động các em học sinh đến lớp, nếu không sĩ số của lớp cứ đều đặn mà giảm đi theo từng năm học.

Mỗi khi vận động được một em học sinh quay trở lại học, hay mỗi khi nhận được một tin vui học trò của mình tốt nghiệp đã kiếm được việc làm, bạn tôi đều kể với niềm xúc động như thể vừa nhận phần thưởng cao quý.  

Qua báo chí và qua những câu chuyện thực tế của các thầy giáo, cô giáo ở vùng cao, tôi biết, việc đem được cái chữ đến với các em học sinh ở vùng cao của các thầy cô quả là con đường gian nan. Cuốc bộ, trèo đèo, lội suối, băng rừng, ở lại cắm bản cả năm trời mới được về thăm nhà một lần... là những việc thường xuyên của các thầy cô. Nhưng điều đó chẳng thấm vào đâu so với một tương lai rất dài đang chờ các em phía trước. Có lẽ chính vì điều đó, nên bất chấp những khó khăn, các thầy cô luôn rất kiên trì, bền bỉ.

Tôi cũng biết, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến giáo dục, luôn xem giáo dục là quốc sách hàng đầu. Do đó, trong các nghị quyết của Đảng đều có những nội dung quan trọng đến vấn đề giáo dục. Các chủ trương, chính sách về phát triển giáo dục luôn rất quan tâm đến đội ngũ các thầy cô giáo, đặc biệt là các thầy cô đang công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn. Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20/6/2006 của Chính phủ quy định các chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Nghị định 76/2019/NĐ-CP, quy định giáo viên dạy học các xã khu vực III thuộc vùng dân tộc thiểu số, các xã miền núi có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn sẽ được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi riêng… và còn nhiều chế độ, chính sách khác của Đảng, Nhà nước để động viên các thầy cô, giúp các thầy cô yên tâm bám bản.

Đãi ngộ là vậy, nhưng tôi lại nghĩ, chính lòng nhiệt huyết, sự tận tâm và cả tình yêu thương mới là điều đã giữ các thầy cô ở lại, gắn bó với sự nghiệp “trồng người” ở những nơi non cao. 

Dịch bệnh Covid-19 xảy ra có thể thêm một lần nữa khẳng định tấm lòng yêu nghề của các thầy cô. Đa số giáo viên và học sinh phải học trực tuyến hoặc áp dụng các biện pháp khác để thích nghi. Đối với học sinh vùng cao, vùng sâu, vùng xa thì việc dạy học trực tuyến quả thật là khó, bởi nhiều nơi còn chưa có điện, chưa nối mạng internet, ít có máy tính, điện thoại thông minh nói gì đến học trực tuyến. Là người thường xuyên làm việc bằng máy tính mà tôi còn cảm thấy lúng túng khi những ngày đầu phải áp dụng làm việc trực truyến từ xa, thì với những em học sinh chưa từng được làm quen với máy tính lần nào, việc học trực tuyến thật sự là khó. 

Nhưng, khó khăn đến đâu cũng không thể dừng lại, các thầy cô đã tìm mọi cách để mang cái chữ đến cho các em. Nhiều thầy cô phải đến tận các thôn, bản đưa bài, giao bài, thậm chí đối với một số học sinh chậm hiểu, cá biệt, giáo viên còn phải vào tận nơi hướng dẫn, kèm cặp học sinh để các em không quên kiến thức. 

Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 năm nay, đọc báo, tôi thấy dòng tin tức: Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long tổ chức sẽ chọn tôn vinh những giáo viên có nhiều sáng kiến, đổi mới trong phương pháp giảng dạy, giúp học sinh tiếp thu kiến thức hiệu quả trong điều kiện khó khăn như bị thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh Covid-19, ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19. 

Đây thật sự là món quà đối với các thầy cô nhân ngày hiến chương các nhà giáo Việt Nam. Sự hy sinh thầm lặng của các thầy cô giáo ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa là không thể đong đếm được. Các thầy cô có những điều lớn lao hơn để làm so với những vất vả, khó khăn của bản thân. Các thầy cô đã để lại dấu ấn không chỉ là một người thầy dạy chữ, mà đó còn là cả những bài học làm người, bài học về sự sẻ chia từ một người làm nghề giáo, gieo những ước mơ để lớp lớp các thế hệ học trò trưởng thành, trở về xây dựng bản làng quê hương phát triển. 

Minh Tuyên

Tin cùng chuyên mục