Anh Hà Văn Quang, Chủ nhiệm CLB bảo tồn văn hoá Cao Lan làng Minh Cầm cho biết, CLB được thành lập từ năm 2017, thời gian đầu do Nghệ nhân Ưu tú Tiêu Sơn Học làm chủ nhiệm. CLB hiện có hơn 40 thành viên thuộc các thôn Đoàn Kết, Hoà Bình, Dân Chủ. CLB duy trì hoạt động theo tháng, trong đó tập trung chủ yếu về việc gìn giữ trang phục truyền thống, tiếng nói và điệu hát, múa của dân tộc Cao Lan.
Các thành viên CLB tập múa.
Xã Đội Bình có 13 thôn, có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc Cao Lan chiếm đa số. Tuy nhiên, nhiều người Cao Lan không biết mặc trang phục dân tộc, việc nói tiếng dân tộc cũng ít được sử dụng, nhất là trong thế hệ trẻ. Đứng trước thực tế bản sắc văn hoá dân tộc có nguy cơ bị mai một, các thành viên CLB đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân mặc trang phục truyền thống của dân tộc trong những dịp lễ, Tết, ngày hội; dạy con, cháu thường xuyên nói tiếng dân tộc. Đặc biệt, CLB đã tổ chức luyện tập hát Sình ca và các điệu múa dân tộc cho các thành viên, người biết dạy cho người chưa biết, tự học hỏi lẫn nhau, cứ thế, dần dần nhiều thành viên đã hát, múa thành thạo và có thể tham gia biểu diễn.
Chị Hà Thị Minh, thôn Dân Chủ, thành viên CLB chia sẻ, trước đây, chị không biết hát Sình ca, cũng ít mặc trang phục dân tộc. Nhưng tham gia CLB, chị đã được các ông, các bà dạy hát Sình ca và các điệu múa như xúc tép, chim gâu, tra hạt… Chị và các chị em trong CLB cũng tự sắm cho mình bộ váy Cao Lan để mặc vào dịp lễ, Tết và tham gia các hội diễn, giao lưu văn hoá, văn nghệ ở địa phương. Đặc biệt, con gái chị năm nay học lớp 5 được mẹ dạy hát Sình ca. Cháu cũng rất thích và thường tham gia phong trào văn nghệ tại trường học.
Các thành viên CLB luyện tập hát Sình ca.
Là người nhiều năm sưu tầm, ghi chép lại những lời hát Sình ca bằng chữ Hán để truyền dạy lại cho thế hệ trẻ, đồng thời là người có công thành lập CLB, hướng dẫn cho các thành viên CLB, Nghệ nhân Ưu tú Tiêu Sơn học chia sẻ, điệu hát Sình ca là nét văn hoá đặc trưng của người Cao Lan. Tuy nhiên, lời hát cổ trước đây đều bằng chữ Hán nên thế hệ trẻ khó có thể biết để học và lưu giữ lại. Vì vậy, ông đã dày công ghi chép lại lời hát, rồi dịch ra tiếng Cao Lan. Đồng thời sáng tác lời mới và truyền dạy lại cho các thành viên trong CLB. Ông cũng hướng dẫn một số thành viên đánh trống Tăng sành, một nhạc cụ đặc trưng được sử dụng cùng với hát Sình ca, tạo nên sự hoà quyện và nhịp điệu cho lời hát.
Bằng tình yêu và sự tâm huyết, các thành viên CLB bảo tồn văn hoá dân tộc Cao Lan làng Minh Cầm đang tích cực góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá Cao Lan trên địa bàn.
Gửi phản hồi
In bài viết