Bánh khảo Sơn Thủy

- Thật thú vị khi những cơn gió lạnh đầu tiên ùa về được ngồi quây quần bên nhau, thưởng thức chút bánh khảo bên tách trà ấm nóng…

Tỉ mỉ trong từng công đoạn

Qua lời giới thiệu của đồng chí Nguyễn Ngọc Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Tú Thịnh (Sơn Dương), tôi háo hức tìm đến Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Sơn Thịnh. Chị Bùi Thị Thùy, Giám đốc hợp tác xã dẫn tôi đến nhà bà Nguyễn Thị Thủy, thôn Đông Thịnh để tìm hiểu về sự ra đời của nghề làm bánh khảo nơi đây.

Bà Nguyễn Thị Thủy, thôn Đông Thịnh, xã Tú Thịnh (Sơn Dương) chuẩn bị các nguyên liệu làm bánh khảo.

Theo lời bà Thủy kể, ông nội bà là người Hoa Lư (Ninh Bình). Trong một lần lên thăm, ông đã mang bánh khảo để làm quà cho con cháu và hàng xóm. Sau khi được thưởng thức món bánh khảo của ông, mọi người trong xóm đều khen và nhắc mãi. Tuy nhiên, con cháu trong nhà thì tuyệt nhiên không nhắc gì đến. Lúc đó, ông nội bà nói rằng “Người ăn thì còn, con ăn thì mất”, ý chỉ hàng xóm ăn còn được lời khen, con cháu trong nhà ăn thì không thấy ai nói gì. Chính vì thế, bà đã quyết tâm theo ông về quê để học nghề làm bánh khảo. Bà nhớ như in ngày bà theo ông về quê, ông nội bà chưa dạy ngay cho bà cách làm bánh. Một tháng ròng, ông chỉ giao cho bà một việc là bê đá lấp ao. Công việc tưởng chừng như không liên quan đến việc làm bánh khảo này đã rèn luyện cho bà tính kiên trì, đây là yếu tố đầu tiên để bà có thể trở thành người làm bánh chuyên nghiệp như hiện nay. Bởi để làm được phong bánh khảo ngon cần nhất sự kiên trì, tỉ mỉ. Mọi công đoạn đều phải được trau chuốt, cẩn thận và đúng định lượng đến từng gam.

Thật vậy, để làm được bánh khảo ngon, bà Thủy kỹ tính ngay từ khâu lựa chọn gạo nếp. Bà tự trồng nếp cái hoa vàng trên những thửa ruộng của gia đình. Thu hoạch lúa, lúa phơi không được quá già hoặc quá non. Gạo nếp sau khi được làm sạch, mang đi nổ bỏng và nghiền thành bột mịn. Để nấu đường làm bánh, bà đun 1 kg đường với 3 bát nước, đun sôi nước đường trong khoảng 30 phút với lửa nhỏ sau đó đánh đều cho lại đường. Nhân bánh khảo gồm mứt mỡ, lạc rang, vừng rang. Mứt mỡ được lựa chọn từ mỡ vai của con lợn ngon, sau khi luộc qua, thái hạt lựu và ướp với đường trong vòng 1 - 2 tiếng. Trong thời gian chờ mứt mỡ, bột được đem trộn đều với đường. Ngày xưa, bà Thủy thường phải trộn bột bằng tay, mất rất nhiều thời gian và công sức. Bây giờ, công đoạn ấy được rút ngắn nhờ có máy trộn. Khi bột và đường được đánh tan vào nhau, mứt mỡ trộn chung với lạc và vừng rang chín. Các nguyên liệu đều được thêm một chút hương dầu chuối để tạo sức hấp dẫn cho món bánh.

Bột được rải một lớp vào khuôn, sau đó rắc nhân vào giữa cuối cùng thêm một lớp bột phủ bên trên. Bánh được ép trong vòng 12 tiếng. Đến công đoạn này, tưởng như bánh đã được hoàn thiện. Tuy nhiên, điều quyết định để bánh có được dẻo, ngon hay không lại phụ thuộc vào độ ẩm của ngày ép bánh. Bà Thủy nói, để bánh khảo được ngon, độ ẩm không khí phải khoảng 70%. Nếu quá cao hay quá thấp, bà phải dùng máy tạo ẩm trong khoảng thời gian ép bánh. Sau khi đủ thời gian, bánh được cắt và gói kín lại để bảo quản.

Phấn đấu trở thành sản phẩm OCOP

Trung bình mỗi năm, gia đình bà Thủy xuất bán ra ngoài thị trường khoảng 2 tấn bánh khảo tương đương với 3.000 - 4.000 hộp, với giá bán 100 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, sản phẩm vẫn chưa được nhiều người biết đến do chưa chú trọng vào khâu quảng bá và chưa có nhãn hiệu. Muốn sản phẩm phát triển lâu dài và bền vững, cần có hướng đi đúng đắn, phù hợp, vì vậy, gia đình bà đã liên kết với Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Sơn Thịnh. Sau hơn 30 năm gắn bó với nghề làm bánh khảo, đầu năm 2021, sản phẩm bánh khảo của gia đình bà Thủy đã được đăng ký bảo hộ nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc với tên Bánh khảo Sơn Thủy.

Sản phẩm bánh khảo Sơn Thủy.

Chị Bùi Thị Thùy, Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Sơn Thịnh cho biết, sau khi đăng ký bảo hộ nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hợp tác xã đã đăng ký đánh giá sản phẩm OCOP năm 2021. Với cách làm hoàn toàn thủ công, sản phẩm bánh khảo nếu được công nhận là sản phẩm OCOP sẽ là hướng đi mới mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Hiện nay, bánh khảo được tập trung làm vào khoảng 4 tháng cuối năm hoặc khi có đơn đặt hàng. Vì là sản phẩm làm thủ công, không chứa chất bảo quản nên thời gian sử dụng khoảng 15 ngày ở nhiệt độ thường và 30 ngày với nhiệt độ trong tủ lạnh.

Nhiều người khi nói đến bánh khảo thường nghĩ ngay đến bột bánh hay bị khô và cảm giác bí ở cổ khi nuốt. Tuy nhiên, khi được thưởng thức món bánh khảo ở Tú Thịnh cảm giác hoàn toàn khác biệt, bởi bánh có độ dẻo nhất định, độ ngọt vừa phải, thơm vị dầu chuối, hoàn toàn thuyết phục được người ăn. Bà Lê Thị Chính, kinh doanh tại chợ Phan Thiết cho biết, năm 2019, bà được người quen cho 2 phong bánh khảo với lời nhắn ăn thử xem có nhập về bán được không. Ban đầu bà cũng không mặn mà cho lắm. Tuy nhiên, khi ăn thử, bà “ưng” ngay từ miếng bánh đầu tiên. Từ đó đến nay, bà trở thành bạn hàng thân thiết của gia đình bà Thủy.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Tú Thịnh cho biết, sản phẩm bánh khảo Sơn Thủy được lựa chọn xây dựng là sản phẩm OCOP của xã. Để hoàn thành mục tiêu đó, UBND xã đã hướng dẫn Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Sơn Thịnh hoàn thành đăng ký bảo hộ nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc và lập hồ sơ đăng ký đánh giá sản phẩm OCOP năm 2021. Bên cạnh đó, xã định hướng công tác tuyên truyền và quảng bá sản phẩm để món bánh khảo được nhiều người tiêu dùng biết đến.

Bánh khảo tuy là món ăn dung dị, đời thường nhưng mỗi phong bánh đều chứa đựng tình cảm của người làm bánh. Và đúng là sẽ chẳng có gì ấm áp hơn khi những cơn gió lạnh đầu tiên ùa về, được ngồi quây quần bên nhau, thưởng thức chút bánh khảo bên tách trà ấm nóng…

Ghi chép: Thu Trang

Tin cùng chuyên mục