Để du lịch “cất cánh”

- Mỗi mùa ở Lâm Bình đều mang trong mình một vẻ đẹp riêng về cảnh sắc hay con người, chính vì vậy mỗi lần ghé thăm sẽ gợi cho du khách những xúc cảm khó tả…

Thiên nhiên tươi đẹp

Nếu ai đã từng một lần đến với Lâm Bình, chắc hẳn sẽ không khỏi bất ngờ với những cảnh quan tươi đẹp. Ở đó có núi, có rừng nguyên sinh với hệ động thực vật phong phú. Du khách có thể thăm thác Khuổi Súng, Hang Khuổi Pín, Hang Thẳm Nặm, tận hưởng cá “mát - xa” chân tại Thác Khuổi Nhi. Đặc biệt, được sống trong không gian văn hóa đặc sắc của 13 dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn huyện, cùng nghe hát Then, đàn Tính, cùng thưởng thức nghi lễ nhảy lửa của người dân tộc Pà Thẻn… Chỉ bấy nhiêu đó thôi, đã tạo nên một bức tranh của miền sơn cước đa màu sắc làm mê đắm lòng người.

Du khách hào hứng với những sản phẩm đặc trưng được bày bán tại Phố đi bộ huyện Lâm Bình.

Sẽ chẳng có gì lạ, khi du khách đến với Lâm Bình để tìm sự bình yên. Chị Vũ Thị Thùy Dương, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ, lần đầu tiên chị đến Lâm Bình vào mùa hè. Không khí trong lành, mát mẻ khác hẳn với nơi chị đang sinh sống và làm việc. Gia đình chị được tham quan lòng hồ thủy điện, tự tay làm bánh giày, học đàn Tính. Các con chị rất thích thú với những trải nghiệm mới. Mùa thu, chị đã đưa các con trở lại để có thể tự làm những hạt cốm mềm dẻo và được ngắm mây phủ núi rừng buổi sớm mai.

Đánh thức tiềm năng

Những năm qua huyện đã triển khai nhiều chính sách khuyến khích phát triển du lịch tập trung vào các xã Lăng Can, Thượng Lâm, Khuôn Hà, Phúc Yên và khu vực lòng hồ sinh thái. Đặc biệt, nhân rộng mô hình du lịch cộng đồng Homestay.

Phụ nữ Lâm Bình giữ nghề dệt truyền thống.

Cơ sở Homestay Hoàng Tuấn của gia đình bà Triệu Thị Xướng ở thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm tiếp đón khoảng 200 lượt khách. Các thành viên trong gia đình đã thành lập nhóm Facebook, Zalo để giao lưu trực tuyến với khách du lịch.

Sau một thời gian tham quan và khảo sát, Công ty TNHH Thương mại và Du lịch 5 sao (Hà Nội), công ty đã quyết định đầu tư xây dựng khu du lịch Homestay Nặm Đíp, thị trấn Lăng Can; khu du lịch Bản Bon, xã Phúc Yên. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 28 hộ kinh doanh dịch vụ Homestay.

Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng

Đồng chí Nguyễn Thành Trung, Bí thư Huyện ủy Lâm Bình cho biết, phát huy tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, bền vững của huyện là 1 trong 2 khâu đột phá được Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra. Huyện đã tập trung xây dựng kế hoạch phát triển du lịch như: Xây dựng kế hoạch bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị văn hóa truyền thống; triển khai xây dựng làng văn hóa tại Nặm Đíp (thị trấn Lăng Can), thôn Nà Tông (xã Thượng Lâm); nâng cao chất lượng phục vụ du khách tại các điểm du lịch cộng đồng và lựa chọn sản phẩm du lịch đặc trưng.

Trải nghiệm đua thuyền Kayak trên khu vực lòng hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình.

Trong năm 2021, dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành du lịch của huyện gặp không ít khó khăn nhưng đây cũng được xem là “khoảng lặng” để người làm du lịch Lâm Bình thay đổi tư duy, phương thức. Mới đây huyện Lâm Bình có chủ trương quy hoạch thôn Khuổi Trang và Khuổi Củng trở thành làng Homestay mang bản sắc dân tộc Mông. Những ngôi nhà trình tường đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông đã được phục dựng. Hay việc tổ chức phố đi bộ, thành lập Hợp tác xã thổ cẩm… đều là những bước đi đúng đắn để quảng bá hình ảnh, văn hóa, con người Lâm Bình đến du khách.

Với nguyên tắc “An toàn tới đâu mở cửa tới đó và mở cửa thì phải an toàn”, huyện Lâm Bình đang từng bước hồi phục du lịch sau những ngày tháng chống chọi với dịch bệnh Covid-19. Chắc chắn những quyết sách đúng đắn, kịp thời trong quảng bá, xúc tiến đầu tư du lịch Lâm Bình sẽ “cất cánh”.

Phóng sự: Thu trang

Tin cùng chuyên mục