Đồi hoang trả “vàng”

- Nằm chót vót trên đỉnh đồi, hơn 20 ha ở khu vực Hang Dơi ngày nào còn bỏ hoang, giờ lúc lỉu trái ngọt. Cả cơ ngơi này là của ông Nguyễn Minh Hùng, thôn Tân Tiến, xã Chiêu Yên (Yên Sơn).

“Người giàu cũng khóc”...

Dáng người mảnh khảnh và đen trùi trũi, bận chiếc áo lao động màu xanh lá đã bạc màu, ông Hùng như chìm đi trong màu của lá của quả. Ngôi nhà gỗ được cất tạm nằm nép mình bên vườn cây ăn quả, mấy năm nay trở thành chốn đi về của ông. Ông khoe với khách, cả khoảnh đồi bát ngát hơn 20 ha này đều đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tất cả là tài sản ông tích cóp suốt 15 năm nay.

Khu vực Hang Dơi này, ông đã từng cùng cha mẹ lên khai hoang từ những năm còn học lớp 5, lớp 6. Cả khoảnh đồi ngày ấy chỉ thấy đá, khai hoang đến đâu, nhà ông trồng ngô, trồng sắn đến đấy. Làm miết mải, cho đến khi ông được dựng vợ, cha mẹ nhường lại mảnh đất đã khai hoang để vợ chồng yên tâm làm ăn.

Hơn chục năm trước, Chiêu Yên - cũng như nhiều xã vùng thượng huyện Yên Sơn - phất lên nhờ cây dong riềng, cây sắn. Ông cũng thế. Đất đồi chủ yếu trồng sắn, trồng dong riềng. Có vốn, ông lại đứng ra thu gom cho người dân về chế biến tinh bột, bán cho các thương lái ở Hà Tây (cũ).

Từ phụ phẩm của nghề chế biến tinh bột, ông nuôi thêm 120 con lợn.

Con đường bê tông vừa được hoàn thành giúp việc lên trang trại của ông Nguyễn Minh Hùng thuận lợi hơn.    

Ông bảo, hơn chục năm trước, mình là một trong những nhà có kinh tế khá của thôn, của xã. Nhưng, niềm vui chẳng tày gang. Giá tinh bột tụt thảm hại. Đàn lợn 120 con mắc bệnh lép - tô chết cùng thời điểm. Ông vỡ nợ. Số nợ lên đến hơn 1 tỷ đồng - một con số khổng lồ thời bấy giờ, cũng là con số khổng lồ với vợ chồng người nông dân này.

Nhớ lại thời điểm này, ông Hùng bảo, gần như không còn từ nào để tả về sự khốn cùng. Đến độ, vợ chồng ông đi đến đâu, người làng cũng sợ đến vay tiền, vay gạo. Vợ chồng ông suốt thời gian dài không dám nói với nhau câu nào, vì lo nỗi muộn phiền cơm áo gạo tiền bám lấy đầu mình, sẽ chỉ nói ra những lời làm tổn thương nhau. Lúc này, trong đầu ông chỉ có một lời thề, là phải làm sao để vợ con mình bước chân ra đường, được ngẩng cao đầu với xóm làng.

Hơn 20 ha đất đồi của gia đình lúc bấy giờ đã có người ở Hà Tây (cũ) lên hỏi mua với giá 4 tỷ đồng. Số tiền không chỉ đủ trang trải nợ nần, mà còn giúp ông có thêm của để dành. Nhưng ông lại nghĩ, nếu bán hết đất đi rồi, trả được nợ cho bố mẹ, thì đến đời con cháu mình sống bằng gì... Câu hỏi ấy bám lấy ông, dằn vặt ông ngày này sang tháng khác. Ông quyết định giữ lại, cải tạo lại để lấy tiền trả nợ.

Ông phá bỏ hoàn toàn sắn, dong riềng và quyết định chuyển toàn bộ diện tích sang trồng xoan. Không có vốn mua cây giống, ông Hùng lang thang khắp làng khắp xã, nhặt quả xoan già đã rụng về đốt cho hạt bật mầm, rồi mang vào đồi ươm trồng. Nguồn thu từ những cây xoan này đã giúp vợ chồng ông “sốc” lại tinh thần. Ông cười bảo, câu chuyện “người giàu cũng khóc” là thế đấy!

Không cho mình nghỉ...

Mỗi năm, món nợ giảm đi một ít, rồi cũng đến ngày tiền làm ra cũng đã có chút dư giả, ông Hùng quyết định “quy hoạch” lại toàn bộ khu đồi cho bài bản.

Ông dành riêng 8 ha trồng cam, bưởi, chanh tứ thì. Còn lại chia đều ra trồng dong riềng, sắn và ngô. Ông bảo, nỗi ám ảnh nợ nần chục năm trước cứ thúc ông bước lên, không dám cho mình ngơi nghỉ dù chỉ một ngày. Mình ông thoăn thoắt lúc thu lúc hái, lúc trồng lúc chăm... Ngôi nhà gỗ lúc dựng lên, nghĩ chỉ để nghỉ tạm khi mưa nắng thất thường, hóa ra lại là nơi ông gắn bó suốt tuần, suốt tháng. Một năm thu hơn 100 tấn dong riềng, 30 tấn sắn, 5 - 6 tấn ngô; cây ăn quả đến vụ lúc lỉu trái ngọt...  vài năm nay, năm nào nguồn thu của gia đình ông cũng đều đặn vài trăm triệu đồng. Năm 2021, vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, trái cây mất giá như thế, nhưng cũng giúp gia đình ông có gần 500 triệu đồng.

 Ông Nguyễn Minh Hùng (người ngoài cùng bên trái) với khách thăm vườn.

Thế nhưng, con đường để nông sản đi ra với thị trường vẫn là nỗi thấp thỏm của người nông dân Nguyễn Minh Hùng mỗi dịp thu hoạch. Đây cũng là lý do mà ông có đến hơn 20 ha đất sản xuất. Trước đấy, cùng với vợ chồng ông Hùng, có 2 - 3 nhà cũng vào khai hoang đất này để lấy kế sinh nhai. Cách trung tâm thôn chừng 5 - 7 cây số, nhưng đường lên Hang Dơi chủ yếu là vươn lên dốc. Đá lộc ngộc, hai bên đường um tùm lau sậy, sau này mấy nhà cùng lên khai hoang “bỏ của chạy lấy người”, vợ chồng ông gom tiền mua lại tất. Vừa mua lại của dân, vừa bỏ công khai hoang làm đất trồng cấy.

Mỗi vụ mới hay khi thu hoạch, ông Hùng đều phải thuê người làng vào tăng bo nông sản ra trung tâm thôn. Đường đi lại trơn trượt, lại chủ yếu là lên dốc khiến việc thuê nhân công dẫu cao cũng không phải ai cũng muốn làm.

Cơ hội đến, khi HĐND tỉnh có Nghị quyết số 55 thông qua Đề án Bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn, giai đoạn 2021 - 2025, đầu năm 2022, ông Hùng đăng ký luôn gần 400 mét. Tiền cát sỏi, tiền thuê máy móc, nhân công... ông đổ vào để hoàn thành con đường mất gần 100 triệu đồng. Số tiền này, chưa đáng kể gì so với sức người bỏ ra. Ông bảo, riêng san gạt đất làm đường đã mất cả tuần trời. Độ dốc được hạ thấp hơn so với con đường nguyên bản, lòng đường cũng được mở rộng ra 5 mét. Tuyến đường bê tông từ ngã ba lên đến đồi Hang Dơi giờ ô tô, xe máy chạy êm ru.

Chủ tịch UBND xã Chiêu Yên Mông Thanh Vấn cho biết, chủ trương làm đường bê tông vào vùng sản xuất hàng hóa theo phương châm “nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ” đã giúp nhiều nông dân ở Chiêu Yên như ông Hùng có thêm cơ hội làm giàu, bám đất để phát triển kinh tế. Nhiều bà con chưa biết cách làm ăn cũng dễ dàng tìm đến những trang trại nằm xa trung tâm xã để học cách làm ăn hơn. Cái này được ví như “lợi ích kép” đấy...

Năm nay ông nông dân Nguyễn Minh Hùng quyết định chuyển đổi hơn chục ha đất trồng dong riềng, trồng sắn để chuyển sang trồng cây lâm nghiệp. Ông Hùng bảo, vừa rồi đi họp xã họp huyện, thấy nhiều nơi trồng rừng theo tiêu chuẩn quốc tế FSC, ông ham lắm. Cứ cái gì có lợi về lâu dài là mình làm theo thôi.  

Dẫn khách đi trên con đường bê tông mượt mà, phủ quanh là màu xanh của cây trái, ông Hùng tràn đầy tự tin. Ông bảo, chỉ 2 - 3 năm nữa thôi, nguồn thu từ vùng đồi hoang ngày nào sẽ lên đến vài ba tỷ đồng. Thành quả này, có được từ nghị lực, từ đôi bàn tay, từ ý chí mình, nên mình tự hào lắm, không hổ thẹn với vợ con mình, không hổ thẹn với xóm làng. Và quan trọng nhất, không thẹn với lòng mình.

Phóng sự: Trần Liên

Tin cùng chuyên mục