Một ngày ở chốt Tin Kéo

-Chốt kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 thôn Tin Kéo được huyện Chiêm Hóa lập ra trên tuyến quốc lộ 3B nằm chắn thủ dưới chân đèo Kéo Mác - nơi giáp ranh giữa xã Yên Lập (Chiêm Hóa) và Yên Thịnh, huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn). Nhìn từ trên cao, con đèo như một con trăn khổng lồ, uốn lượn, khúc khuỷu trong cánh rừng xanh đại ngàn. Không gian mênh mông vậy, việc kiểm soát người và phương tiện bên ngoài vào tỉnh càng đặt lên vai chốt liên ngành, chính quyền địa phương trọng trách nặng nề hơn.

Cảnh giác với đường mòn

Giữa trưa trời nắng như đổ lửa, nhận được một cuộc điện thoại của người dân báo có hai đối tượng xâm nhập vào địa bàn thông qua tuyến đường mòn trong khu rừng trên đỉnh đèo nhằm tránh chốt kiểm soát liên ngành, lập tức lực lượng tại chốt băng rừng, lội suối đi bắt đối tượng. Cuộc dượt đuổi ướt đẫm mồ hôi cuối cùng cũng “tóm” được hai người lạ. Hai người này khai đi làm ở Bắc Kạn đang trên đường về huyện Bắc Quang (Hà Giang), nhưng do không có giấy xét nghiệm Covid-19 nên tìm cách trốn theo đường rừng. Chốt đã giao hai đối tượng trên cho huyện xử phạt theo quy định. Ngay sau đó, xã Yên Lập đã đưa máy cuốc lên đào một tuyến giao thông hào, cho rào dây thép gai nhằm chống người và phương tiện cố tình đi theo đường rừng.

Vào ban đêm, trên đỉnh đèo Kéo Mác gió hun hút, trời tối đen như mực, không một bóng nhà. Ai đi qua khu vực này cũng rợn tóc gáy. Do địa hình hiểm trở, xa khu dân cư khoảng 3 km lại không có điện nên chốt được lập dưới chân đèo. Gia đình ông Nguyễn Văn Chiểu, thôn Tin Kéo đã nhiệt tình giúp chốt kiểm soát phòng chống dịch bệnh Covid-19 chỗ ăn nghỉ, điện, nước. Ông Chiểu bảo: “Phòng chống dịch bệnh là công việc chung của toàn xã hội, muốn chống dịch có hiệu quả thì phải dựa vào dân. Mà chúng tôi thấy anh em ở đây cắt cử canh chốt 24/24h vất vả quá, áp lực cũng nặng nề. Chỉ cần một sơ suất nhỏ là không hoàn thành nhiệm vụ, ảnh hưởng lớn tới cộng đồng. Như đêm vừa qua, mưa gió thế mà anh em đi bắt một đối tượng trốn đi theo đường suối. Đối tượng khai là người xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) đi làm xa, không có giấy xét nghiệm Covid-19 nên tìm cách qua mặt lực lượng chức năng. Bị phạt 7,5  triệu đồng là bài học đắt giá cho đối tượng “né” chốt kiểm dịch”.

Đội liên ngành chốt Tin Kéo, xã Yên Lập kiểm tra người, phương tiện đi vào địa bàn.

Ở chân đèo Kéo Mác mùa này, khi trời tối những cơn mưa giông lại ập đến, gió to thổi bay cả lều bạt. Buổi sáng tinh mơ sương mù lại dày đặc, hạn chế tầm nhìn. Những thời khắc như này là những lúc toàn chốt phải nêu cao tinh thần cảnh giác, không để các đối tượng lợi dụng để thông chốt. Anh Hoàng Khánh Soạn, nhân viên y tế xã Yên Lập, thành viên chốt kiểm soát chia sẻ, nhiệm vụ của anh là đo thân nhiệt, yêu cầu mọi người sát khuẩn tay, khai báo y tế, rồi kiểm tra giấy xét nghiệm Covid-19. Nếu mình xem không kỹ, kiểm tra không cẩn thận là “dính” ngay giấy xét nghiệm Covid-19 giả, để lọt “mầm bệnh” vào vùng xanh của ta là cực kỳ nguy hiểm. Anh kể, công an huyện cũng cho lắp đặt một số camera có độ phân giải cao để hỗ trợ giám sát chặt chẽ khu vực chốt. Đây là nguồn dữ liệu quan trọng để có thể truy vết đối tượng.

Ở chốt, chúng tôi được chứng kiến cảnh các trường hợp chấp hành nghiêm quy định về phòng dịch. Có một cặp, anh chồng đi làm bên Bắc Kạn mang tiền cho vợ ở Chiêm Hóa. Hai người hẹn gặp nhau ở chốt Tin Kéo vào một giờ nhất định. Chốt tạo thuận lợi cho anh chồng đưa tiền cho vợ xong phải đặt một khoảng trống rộng rồi quay đầu về ngay. Lúc này cán bộ y tế ra khử khuẩn xong mới cho vợ ra nhận hàng. Rồi chuyện một ông bố ở xã Ngọc Hội sang bên huyện Chợ Đồn thăm con gái, lúc về không nắm rõ nguyên tắc phải có giấy xét nghiệm Covid-19 âm tính nên ra sức “xin xỏ”. Cuối cùng ông phải chấp hành quay đầu lại điểm xuất phát, được con gái đưa đi xét nghiệm Covid-19 bên Bắc Kạn, mới đủ căn cứ về nhà.

Vai trò tổ Covid cộng đồng

Vào ngày chủ nhật đáng lẽ lãnh đạo xã Yên Lập được nghỉ ngơi. Nhưng từ khi có dịch bệnh Covid-19 bùng phát, lãnh đạo xã đều nằm trong Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 cấp xã thay nhau trực. Đầu giờ chiều trời lại đổ mưa nặng hạt, Bí thư Đảng ủy xã Yên Lập Triệu Kim Dung tất tưởi lấy xe lên huyện họp trực tuyến với đầu cầu Chính phủ về Covid-19. Ông bảo: “Công việc phòng chống dịch giai đoạn này là trọng tâm nên người đứng đầu cấp ủy địa phương phải nắm được tinh thần chỉ đạo chung của cấp trên, phải thật sự sâu sát, lãnh đạo toàn diện, trực tiếp công tác phòng, chống dịch tại cơ sở. Yên Lập đã kiện toàn được Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19, do đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã là Trưởng ban. Chúng tôi nắm vững chủ trương phải xây dựng “Xã Yên Lập là một pháo đài chống dịch. Mỗi người dân là một chiến sỹ” Bởi xậy xã chú trọng xây dựng 18 tổ Covid cộng đồng tại 18 thôn trên địa bàn xã, do trưởng thôn làm tổ trưởng, trưởng các tổ chức đoàn thể thôn làm thành viên”.

Lực lượng tại chốt Tin Kéo ghi sổ theo dõi khai báo y tế.

Yên Lập là một xã vùng sâu của huyện Chiêm Hóa nhưng có dân số đông lên đến 7.241 nhân khẩu, trong đó 92% là người dân tộc thiểu số, sống trải dài trên địa bàn rộng, địa hình phân tán. Trong đó, có những thôn như Minh Quang của người Dao Tiền, đi đường đất 12 km, khó khăn mới tới. Đồng chí Lý Đức Quân, Phó Chủ tịch UBND xã, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 xã cho biết, tính từ 30-4 đến nay, trên địa bàn xã có 758 lượt người từ nơi khác đến địa phương phải làm thủ tục khai báo y tế. Xã có 3 trường hợp F1 phải đi cách ly tập trung tại huyện, nhiều trường hợp cách ly, tự theo dõi sức khỏe tại nhà. Bởi vậy, thực hiện phương châm phát huy vai trò của tổ Covid cộng đồng ở mỗi thôn là rất quan trọng. Nếu như chốt liên ngành Tin Kéo kiểm soát nghiêm ngặt 24/24h trên tuyến quốc lộ 3B, thì 18 tổ Covid cộng đồng trên địa bàn xã tiếp tục phải là “cách cửa thép”, giúp ngăn chặn dịch bệnh lây lan vào địa bàn. Ba trường hợp trốn đường rừng vừa qua cũng là do quần chúng nhân dân tại các thôn phát hiện, tố giác kịp thời.

Men theo con đường bê tông, chúng tôi cùng Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ Covid cộng đồng thôn Yên Vinh đến kiểm tra, giám sát việc người dân thực hiện cách ly tại nhà. Anh Bùi Văn Huấn và em trai Bùi Văn Lập cho biết, hai anh em đi làm xây dựng mấy năm nay tại quận Tây Hồ, Hà Nội. Do dịch bệnh nên về quê, được cách ly tập trung tại huyện 14 ngày, có xét nghiệm Covid-19 âm tính. Hai người được huyện giao cho xã quản lý, cách ly 14 ngày tại gia đình. Theo anh Huấn và Lập, biện pháp này của huyện, xã là rất cần thiết nên thực hiện tốt quy định của địa phương. Lãnh đạo xã Yên Lập khẳng định, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn không có đám cưới nào tổ chức. Đám ma thì xã cử cán bộ xuống cho khử khuẩn, giới hạn ít người, không tổ chức ăn uống, thời gian tổ chức nhanh gọn. Nhìn chung nhân dân qua tuyên truyền của xã, của đài, báo đã nhận thức được sự nguy hiểm của dịch bệnh nên đồng tình ủng hộ, tự giác thực hiện.

Ban Thường vụ Huyện ủy Chiêm Hóa cử đồng chí Quan Văn Duyên, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện trực tiếp xuống phụ trách xã Yên Lập, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn. Qua kiểm tra, giám sát đồng chí Quan Văn Duyên đánh giá cao tinh thần “chống dịch như chống giặc” của lãnh đạo, MTTQ và các đoàn thể từ xã xuống thôn, cùng toàn thể nhân dân. Chủ trương muốn xây dựng tỉnh ta là vùng xanh, thì trước tiên phải thấm nhuần “Mỗi xã, mỗi thôn phải là một pháo đài chống dịch. Mỗi người dân là một chiến sỹ”.

Phóng sự: Quang Hòa

Tin cùng chuyên mục