Nuôi ong dưới tán rừng

- Sau khi đi bộ đội tham gia cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc ở Đồng Văn (Hà Giang), Cựu chiến binh Lý Văn Dư, dân tộc Tày trở về quê hương thôn Tân Lập, xã Tân Trào (Sơn Dương) sinh sống. Ông Dư nhìn thấy tiềm năng to lớn của những cánh rừng đặc dụng Tân Trào quanh mình và quyết tâm xây dựng mô hình nuôi ong lấy mật tự nhiên. Qua nhiều thăng trầm của nghề, đến nay ông Dư trở thành chuyên gia hàng đầu nuôi ong ở địa phương, cho thu nhập cao.

Đi lên từ tâm huyết

Theo ông Dư “không có con đường nào bằng phẳng, muốn đi đến đích chúng ta phải có quyết tâm cao, phương pháp tốt”. Tâm niệm xuyên suốt đó ông đem ra áp dụng cho nghề nuôi ong lấy mật. Chỉ tay lên căn nhà sàn bê tông cốt thép, trên lợp lá cọ truyền thống bề thế được xây dựng trên 600 triệu đồng, ông Dư bảo, phần lớn số tiền xây nhà do ông bán mật ong mà có. Dẫn chúng tôi xuống xem kho để mật ong, cả căn phòng hương thơm ngào ngạt. Hơn 600 lít mật ong rừng vàng óng đang được ông đựng trong những thùng nhựa cỡ lớn. Từ đây công đoạn chiết xuất ra chai, đóng nút, dán nhãn, đóng hộp mới hoàn chỉnh sản phẩm.

Ông Lý Văn Dư nuôi 100 đàn ong lấy mật tại vườn nhà, sát những cánh rừng nguyên sinh đặc dụng Tân Trào.

Trong khu vườn cây rợp bóng mát, ông Dư đang nuôi hơn 100 đàn ong. Khu vườn cách rừng đặc dụng Tân Trào không xa. Hàng ngày, từng đàn ong chăm chỉ bay đi lấy mật hoa rừng tự nhiên. Những mùa hoa phách tím, lim xẹt, chân chim, ba lá, lau thau, muống rừng... là nguồn thức ăn chính của ong. Chính vì nuôi ong kết hợp dưới tán rừng nguyên sinh mà chi phí nuôi ong của ông Dư rẻ, lại cho chất lượng mật cao, thơm ngon tuyệt hảo. Mật ong rừng Tân Trào nhờ đó trở thành sản phẩm tiêu biểu của địa phương trong chiến lược phát triển du lịch. Các đồng chí lãnh đạo Trung ương, tỉnh khi đến Tân Trào, thăm mô hình nuôi ong dưới tán rừng đặc dụng của ông Dư cho đây là hướng đi tốt của địa phương, cần nhân rộng, xây dựng thương hiệu một cách bài bản.
Mời khách chén chè Vĩnh Tân xanh, mang hương vị của địa phương, ông Dư bộc bạch: “Nói thật hơn 30 năm làm nghề nuôi ong lấy mật tôi đã nhiều lần thất bại. Những ngày đầu chưa có kinh nghiệm nuôi, ong tự tách đàn bay đi  mất. Ngẩn ngơ tiếc lắm, rồi gây dựng lại được chút thì hiện tượng thối ấu trùng, thối cầu xuất hiện. Cứ loay hoay vậy, đàn ong không phát triển được”. Để giải bài toán khó này, ông Dư tìm những cuốn sách dạy về nghề nuôi ong lấy mật để học hỏi kinh nghiệm. Từ đây, ông mới nghiệm ra, muốn nuôi được con ong thành công ngoài tiềm năng, ý chí ra chưa đủ mà phải có kinh nghiệm thực sự. Ông chủ phải thấu hiểu đời sống con ong. Ong thường có ba loại, ong chúa, ong thợ và ong đực. Ong chúa to hơn các con ong khác, tuổi thọ khoảng 3 năm, nhiệm vụ ăn và sinh sản. Mỗi ngày ong chúa có thể đẻ gần 3 vạn trứng. Ong đực làm nhiệm vụ giao phối xong chết ngay sau đó. Còn ong thợ xây tổ, kiếm thức ăn, làm mật sống được 42 ngày.

Khi hiểu về con ong, tích lũy được kinh nghiệm nuôi ong qua nhiều lần thất bại, ông Dư tự tay đóng hàng trăm thùng nuôi ong để nhân đàn. Với nguồn nhân lực của gia đình, ông duy trì nuôi khoảng 100 đàn là đủ sức. Số còn lại ông bán ong giống, thùng cho các hộ trên địa bàn, giá 1 triệu đồng/đàn ong nuôi, 100 nghìn đồng một thùng gỗ nuôi ong, 10 nghìn đồng một cái cầu ong, chân tầng. Riêng đầu năm 2021, ông Dư bán được 30 đàn ong giống cho khách, thu về 30 triệu đồng, chưa kể các vật tư ngành ong khác. Ngoài ra, 100 đàn ong nuôi lấy mật, tháng chính vụ hoa, ông quay mật 4 lần, tháng ít 2 lần. Trung bình mỗi đàn ong thu được 1,8 lít mật một lần quay, như vậy tổng đàn sẽ thu được 180 lít mật. Trừ những tháng ong không làm mật, năm 2020, ông Dư thu trên 600 lít mật, với giá bán 200 nghìn đồng lít mật ong rừng, ông thu về trên 120 triệu đồng. Như vậy, một năm các khoản bán mật, ong giống, sữa ong chúa, phấn hoa, vật tư ngành ong, gia đình ông Dư có thu nhập ổn định từ 160 - 180 triệu đồng. Đây là số tiền không nhỏ, đối với những hộ thuần nông như ông.

Theo ông Dư nghề nuôi ong đòi hỏi nhiều kinh nghiệm.

Thương hiệu cho mật ong rừng Tân Trào

Trên thị trường mật ong có nhiều loại, có loại người ta nuôi theo kiểu công nghiệp, cho ăn thêm mật mía. Rồi các lái buôn phối trộn các loại mật, đường với nhau nhằm chạy theo lợi nhuận. Kết quả, người tiêu dùng vẫn phải mua mật ong với giá cao mà chất lượng không bảo đảm, khó phân biệt được mật ong thật, giả. Trăn trở trước vấn đề này, ông Dư bàn với anh em nuôi ong ở xã Tân Trào, cùng nhau thống nhất thành lập HTX Nuôi ong chất lượng cao Tân Trào. HTX có 9 thành viên, do ông Triệu Tiến Sinh nuôi 160 đàn ong làm Chủ nhiệm. Sau ông Sinh là ông Dư nuôi nhiều thứ hai với 100 đàn ong. Còn lại 7 thành viên khác nuôi tổng khoảng 400 đàn ong. Từ khi có HTX, các hội viên thường xuyên sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm, vật tư ngành ong, ổn định giá bán, phát triển thêm hội viên mới, tìm hướng khai thác tốt tiềm năng rừng đặc dụng Tân Trào.

Sản phẩm nhà ông Dư được lấy nhãn hiệu chung Mật ong Tân Trào.

Các sản phẩm mật ong rừng nguyên chất của các hội viên HTX đã chiếm lĩnh thị trường du lịch Tân Trào, được khách hàng đánh giá cao. Đồng chí Hoàng Đức Xoài, Chủ tịch UBND xã Tân Trào cho biết, được sự hỗ trợ của tỉnh, huyện, xã vừa qua HTX Nuôi ong chất lượng cao Tân Trào đã đăng ký được nhãn hiệu hàng hóa “Mật ong Tân Trào”. Mật ong Tân Trào được đóng vào chai thủy tinh 65 ml có nhãn mác, lô gô, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc với Cục Sở hữu trí tuệ, đang có giá bán 150 nghìn đồng/chai. Xã thường xuyên mang sản phẩm Mật ong Tân Trào đi quảng bá ở các hội chợ, gian hàng chất lượng cao trong và ngoài tỉnh. Nhờ vậy, nhiều du khách đã bắt đầu biết đến thương hiệu “Mật ong Tân Trào”. Xã mong muốn HTX là nơi giao lưu, phổ biến kinh nghiệm, kết nạp nhiều hội viên mới để nghề nuôi ong dưới tán rừng đặc dụng Tân Trào phát triển vững mạnh. Trở thành sản phẩm du lịch nông nghiệp sạch tiêu biểu của xã.

Ngày nay, du khách về tham quan Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào đều rất quan tâm đến những sản phẩm của địa phương, trong đó có mật ong rừng. Những chai mật ong được người bán đan giỏ tre để du khách xách cho tiện, tăng tính thẩm mỹ, dân giã cho sản phẩm từ vùng chiến khu xưa. Bà Nguyễn Thu Huệ (Hà Nội) trong chuyến công tác Tân Trào cũng tìm mua một thùng mật ong Tân Trào về làm quà. Bà bảo, trước kia bà đã từng sử dụng Mật ong Tân Trào cảm thấy chất lượng tốt, có thương hiệu, xuất xứ hàng hóa rõ ràng. 

Chia tay ông Dư trong ngôi nhà sàn truyền thống, tôi thấy ông vẫn còn đau đáu phát triển nghề ong ở địa phương. Bởi với hàng nghìn ha rừng nguyên sinh, đây là tiềm năng to lớn cho nghề ong. Theo ông Dư trong thời gian tới, HTX sẽ phải thành lập Fanpage “Mật ong Tân Trào” trên mạng xã hội để tăng cường quảng bá, tương tác với khách hàng, hướng tới bán hàng Online.

Phóng sự: Quang Hòa

Tin cùng chuyên mục