Say điệu Soọng cô

- Từng giữ nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt của xã Sơn Nam (Sơn Dương), nhưng Nghệ nhân dân gian Hoàng Lục Thái, dân tộc Sán Dìu, thôn Đồng Cháy luôn trăn trở phải làm gì để giữ gìn điệu hát Soọng cô của dân tộc cho thế hệ trẻ. Vì vậy, ông đã dày công sưu tầm, ghi chép lại hàng trăm bài hát Soọng cô để truyền dạy lại cho mọi người.

Nghệ nhân dân gian Hoàng Lục Thái chia sẻ, xã Sơn Nam có 42% dân số là người dân tộc Sán Dìu. Ngày trước phong trào hát Soọng cô rất phát triển ở địa phương. Vì vậy, tuổi thơ ông lớn lên với những điệu hát Soọng cô trữ tình, được truyền từ đời này qua đời khác. Năm 17 tuổi ông đã biết hát rất nhiều bài Soọng cô, do được người đi trước dạy lại và bản thân cũng tự học thêm.

Nghệ nhân dân gian Hoàng Lục Thái, thôn Đồng Cháy, xã Sơn Nam (Sơn Dương) hướng dẫn các cháu học tiếng Sán Dìu.

Sau này, khi thấy người biết nói tiếng dân tộc và hát Soọng cô thưa dần, mặc dù bận rất nhiều công việc ở xã, nhưng ông đã dành thời gian sưu tầm, ghi chép lại các bài hát. Đến nay, ông đã sưu tầm được trên 200 bài hát Soọng cô, tất cả đều được đánh máy cẩn thận, là tài liệu quý để ông dạy lại cho các con, các cháu. Năm 2000, ông được Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh mời tham gia hoàn thành cuốn sách Dân ca Sán Dìu, Cao Lan, Tày. Ngoài ra, ông đã tự soạn giáo án dạy tiếng nói và dạy hát cho các cháu trong gia đình, từ đơn giản đến phức tạp để các cháu có thể tiếp thu được nhanh nhất.

Dần dần, thấy việc dạy hiệu quả, ông đã xin ý kiến UBND xã mở lớp dạy tiếng nói và hát Soọng cô cho các cháu thiếu nhi trong xã. Xã Sơn Nam có 23 thôn, trong đó 13 thôn chủ yếu là đồng bào dân tộc Sán Dìu. Việc học tiếng nói và hát Soọng cô là cách làm hiệu quả để bản sắc văn hoá dân tộc không bị mai một; nuôi dưỡng trong thế hệ trẻ tình yêu với những nét đẹp văn hoá của dân tộc. Từ đó, các em sẽ góp phần giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc trong đời sống hàng ngày. Năm 2023, ông đã mở được 3 lớp, với 28 cháu và 12 người cao tuổi tham gia.

Năm 2011, Câu lạc bộ (CLB) hát Soọng cô xã Sơn Nam được thành lập do ông Thái làm Chủ nhiệm, với hơn 20 hội viên. CLB sinh hoạt thường kỳ theo quý, nhưng khi có sự kiện của xã, huyện sắp diễn ra thì luyện tập thường xuyên hơn. Hoạt động chủ yếu của CLB là dạy tiếng nói, dạy múa, hát Soọng cô. CLB đã đi tham gia giao lưu ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh như Quảng Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc… và giành được nhiều giải cao.

Tiêu biểu như năm 2019, CLB tham gia thi múa, hát Soọng cô tại Lễ Khai hội Tây Thiên, huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) và giành được Giải A toàn đoàn trong 5 tỉnh tham gia. Vừa qua, CLB đã tham gia Lễ hội Tân Trào với 3 tiết mục và giành giải xuất sắc toàn đoàn.

Nghệ nhân dân gian Hoàng Lục Thái, thôn Đồng Cháy, xã Sơn Nam (Sơn Dương) đang dạy hát Soọng cô.

Ngoài những bài hát truyền thống, Nghệ nhân dân gian Hoàng Lục Thái còn sáng tác lời mới ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu, quê hương, đất nước đổi mới, rồi hướng dẫn các thành viên trong CLB luyện tập, tham gia biểu diễn trong và ngoài tỉnh. Tiêu biểu như các bài: Ngàn hoa dâng Bác, Sơn Nam đổi mới…

Năm nay đã gần 70 tuổi, nhưng Nghệ nhân dân gian Hoàng Lục Thái, xã Sơn Nam (Sơn Dương) vẫn say sưa, tâm huyết truyền dạy hát Soọng cô cho thế hệ trẻ. Với ông, đó luôn là niềm vui, là động lực để ông cùng các thành viên trong CLB tiếp tục có thêm nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa hơn nữa góp phần giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc Sán Dìu trong cộng đồng.

Huyền Linh

Tin cùng chuyên mục