Những ngày này, không khí ăn Rằm tháng Bảy đã diễn ra nhộn nhịp ở các bản làng người Tày, Nùng xứ Tuyên. Câu chuyện về ngày rằm được lưu giữ trong mỗi căn nhà sàn với những giá trị nhân văn sâu sắc. Với người Tày, Nùng thì Rằm tháng Bảy không chỉ là dịp để người dân tộc Tày, Nùng quây quần bên gia đình, tưởng nhớ ông bà tổ tiên mà còn đánh dấu cột mốc quan trọng của quá trình sản xuất trong năm,...
Anh Nguyễn Văn Hoài, xã Lăng Can (Lâm Bình) vui mừng khoe: Năm nay được mùa nên bà con trong thôn phấn khởi lắm. Nhà nhà mở tiệc ăn mừng, làm cỗ thắp hương mời tổ tiên về chứng kiến và cầu mong cho mưa thuận gió hòa, cây lúa sinh trưởng tốt tươi để mùa màng bội thu. Gia đình anh đã ăn Rằm trước đó cả tuần. Ở đây nhà nào cũng muốn làm sớm để mời anh em, họ mạc đến chung vui. Không khí đại gia đình vô cùng đoàn kết, ấm cúng.
Người Tày thôn Ngọc Lâu, xã Vinh Quang (Chiêm Hóa) gói bánh gai ăn Rằm tháng Bảy.
Anh Hoài cho biết thêm, năm nay nhà anh tổ chức sớm còn bởi con gái anh học ở dưới xuôi. Cuối tuần mời bạn bè về Tuyên Quang chơi hội Trung thu rồi về quê ăn rằm luôn. Bọn trẻ hì hụi làm bánh gai, bánh chuối dâng lên bàn thờ tổ tiên. Thấy lớp trẻ yêu nghề truyền thống, hướng về nguồn cội tổ tiên các cụ trong thôn vui và tự hào lắm.
Bánh gai, bánh chuối là hai thứ thức không thể thiếu trong ngày Rằm tháng Bảy của người Tày, Nùng. Trước đó cả tháng, phụ nữ vùng cao đã chuẩn bị loại gạo nếp ngon nhất để dành gói bánh gai, bánh chuối. Rồi họ rủ nhau lên rừng hái lá gai về phơi khô. Với bánh chuối cũng vậy, nhà nhà phơi những quả chuối chín trong cái nắng gay gắt của ngày hè để quả chuối khô tự nhiên, thơm ngon, vàng óng. Sau đó, các gia đình gói ghém, cất cẩn thận trên gác bếp và đến dịp Rằm tháng Bảy lấy chuối khô này gói bánh. Đây cũng là bánh được dâng lên tổ tiên trong ngày rằm tháng Bảy, thể hiện lòng hiếu kính, biết ơn tổ tiên đã phù hộ con cháu trong gia đình có sức khỏe, gia đình bình an, hạnh phúc.
Với người Tày, Nùng, rằm tháng 7 cũng là dịp để những cô gái đã lấy chồng về thăm cha mẹ, gia đình. Ngày lễ này còn được gọi là Tết "Pây Tái", con gái và con rể đem lễ về thăm và biếu nhà ngoại đôi vịt béo, chục bánh gai để thể hiện lòng biết ơn công sinh thành, hiếu thuận đối với cha mẹ. Bà Nguyễn Thị Điện, thôn Soi Trinh, xã Trung Hòa (Chiêm Hóa) cho biết, bà làm dâu đã gần hai chục năm. Nhớ ông bà, cha mẹ nhưng vì phận làm dâu nên bà đều nén lòng, chờ dịp Rằm tháng Bảy về thăm gia đình. Để tỏ lòng thành kính, hiếu thuận, vợ chồng bà đều mang bánh gai, vịt đến làm quà. Trước đó 3-4 tháng, gia đình bà đã nuôi một đàn vịt suối để ăn rằm. Bà cũng lựa chọn đôi vịt béo để biếu bố mẹ. Bà còn tự tay nấu các món ăn để dâng lên tổ tiên nhà ngoại.
Rằm tháng Bảy với những phong tục, tập quán độc đáo chính là niềm tự hào của cộng đồng người Tày, Nùng xứ Tuyên.
Gửi phản hồi
In bài viết