Tục mừng khoăn của người Tày

- Đồng bào Tày ở Tuyên Quang còn lưu giữ nhiều phong tục đẹp, có giá trị nhân văn sâu sắc. Trong đó phải kể đến là tục mừng khoăn (chúc phúc, chúc thọ) cho ông bà, bố mẹ.

Theo phong tục, thì ông bà, bố mẹ từ 59 tuổi trở lên là con cháu có thể làm lễ chúc thọ. Người Tày thường chọn ngày tam hợp (hợp với tuổi chủ nhà) để tổ chức. Đặc biệt, người Tày không tổ chức vào ngày con hổ, bởi theo quan niệm của người Tày, con hổ là chúa tể của muôn loài, là ngày xấu, tổ chức vào ngày này mọi thứ đều không thông, các vong, vía, linh hồn của muôn loài không thể về nhập đồng.

Trong ngày lễ quan trọng này, con các cháu trong gia đình cắt những tờ giấy màu xanh, đỏ, tím, vàng trang trí bên ngoài các rọ đựng lương thực, hồn vía của người được chúc phúc, màu sắc trông thật sặc sỡ, bắt mắt. 

Một gia đình người Tày ở thị trấn Vĩnh Lộc, Chiêm Hóa tổ chức lễ chúc phúc cho bố mẹ. Ảnh Giang Lam

Theo thầy Tào - Tô Chung, thôn Rèn, xã Hòa An (Chiêm Hóa), lễ vật để chuẩn bị ngày lễ quan trọng gồm 2 con gà, trong đó 1 con gà đặt ở bàn thờ gia tiên, 1 con gà để cúng vía. Gia chủ phải chuẩn bị thêm 1 con vịt để cúng dâng sao giải hạn. Đồng thời làm 2 chiếc bánh dày to (bằng cái đĩa) có màu sắc đỏ, tím hoặc vàng; hoa quả bánh kẹo.

Trước đó gia chủ phải làm căn nhà vía bằng cây chuối. Theo phong tục của người Tày thì đàn ông làm nhà 7 tầng tượng trưng cho 7 vía, đàn bà làm nhà 9 tầng tượng trưng cho 9 vía. Gia đình nào có đủ bố mẹ thì làm nhà 2 gian, nếu chỉ còn bố hoặc mẹ thì làm nhà một gian. Tầng cao nhất của ngôi nhà vía đặt hoa, các tầng dưới đặt các loại quả, bánh kẹo. Trầu cau để ở chân cột. 1 con gà sẽ được đặt ở mâm để thầy làm lễ cúng vía, cúng hồn. Khi hoàn thành thì hoá (đốt) căn nhà để nộp cho vía. 

 Thời gian cúng hiện nay thông thường chỉ diễn ra trong nửa ngày. Trước bàn thờ gia tiên, thầy cúng sẽ treo những tờ giấy xanh, đỏ, vàng đã được thầy viết những câu chữ ngắn gọn có ý nghĩa chúc phúc, chúc thọ cho gia chủ. Thầy thực hiện 12 bài cúng tượng trưng cho 12 cửa (tức 12 tháng trong năm). Mỗi cửa cúng đều có nội dung khác nhau, ứng với 12 con giáp. Bởi mỗi chúng ta khi sinh ra đều thuộc vào 1 trong 12 con giáp. Đối với từng con giáp sẽ có những ý nghĩa đặc trưng riêng biệt. Chính vì thế, nắm chắc ý nghĩa của từng con giáp cũng như những vận hạn mà các con giáp gặp phải trong cuộc đời mà thầy có bài cúng phù hợp. Tuy vậy, nội dung cơ bản vẫn hướng tới việc chúc phúc, chúc thọ cho gia chủ; mong những điều may mắn, tốt lành sẽ đến, còn điều xui xẻo sẽ đi. 

Đầu tiên thầy xin phép tổ tiên nhà gia chủ, trình báo lý do tổ chức lễ mừng khoăn cho gia chủ. Sau đó, thầy mặc trang phục áo tướng (áo màu đỏ, đầu đội mũ pắc ka), tay cầm sóc nhạc bằng đồng để vào đàn lễ; đi tìm đón vía, đón hồn về cho gia chủ. Khi đã tìm được hồn vía về cho thân chủ, thầy gọi tên người được mừng khoăn vào ngồi trước tịch thờ để thầy làm phép, làm lễ, cắt bỏ cái nghiệp không hay, dùng dây mây kéo thêm số, nối thêm tuổi để được sống thọ hơn. Các con cháu về dự lễ mang cho gia chủ thêm ít gạo, rượu, bánh trái, gà, vải vóc giao người được làm khoăn. Có làm như vậy, gia chủ sẽ bình an, con cháu vui vẻ, hạnh phúc.

Người làm khoăn được thầy làm phép buộc vía vào cổ tay, những thành viên trong gia đình, con cháu đều được thầy Then buộc vào cổ tay một vòng chỉ để cầu mong sức khỏe, may mắn.

Sau lễ cúng, con cháu, anh em dòng tộc quây quần bên mâm cỗ để chúc phúc, chúc thọ cho gia chủ. Chính vì thế, ngày này không chỉ thể hiện sự hiếu thảo, lòng thành của con cháu đối với ông bà, cha mẹ mà còn tăng tình đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng, dòng tộc người Tày xứ Tuyên. 

Hoàng Anh

Tin cùng chuyên mục