Kế hoạch mở cửa trở lại của nước Anh: Xem xét thận trọng trước khi thực hiện

Kế hoạch gỡ bỏ toàn bộ các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn ngừa dịch Covid-19 dự kiến vào ngày 21-6 tới của nước Anh có thể sẽ bị trì hoãn sau khi biến chủng Delta, được phát hiện lần đầu tại Ấn Độ, đang khiến tình hình dịch Covid-19 tại quốc gia này diễn biến theo chiều hướng phức tạp. Các chuyên gia y tế cảnh báo, nước Anh cần xem xét thận trọng trước khi thực hiện kế hoạch này.


Việc nước Anh lùi kế hoạch gỡ bỏ phong tỏa sẽ giúp nhiều người có thêm thời gian tiêm liều vắc xin phòng Covid-19 thứ hai
để ngăn ngừa lây nhiễm biến chủng Delta.

Theo kế hoạch được Chính phủ Anh đưa ra cuối tháng 3-2021, nước Anh sẽ tiến hành quá trình gỡ bỏ toàn bộ các biện pháp phong tỏa để trở lại cuộc sống bình thường theo 4 mốc thời gian, trong đó ngày 21-6 sẽ là hạn chót để nước Anh mở lại toàn bộ các hoạt động kinh tế - xã hội như trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.

Cho đến nay, 3 giai đoạn đầu đã thực hiện suôn sẻ khi tình hình dịch bệnh tại Anh giảm rõ rệt nhờ chiến dịch tiêm chủng thành công. Trong ngày 1-6, lần đầu tiên sau hơn 1 năm, nước Anh không ghi nhận ca tử vong nào vì dịch Covid-19. Tuy nhiên, bất chấp những kết quả tích cực trong hơn 2 tháng qua, giới khoa học và chuyên gia y tế tại Anh đang ngày càng tỏ ra lo ngại về sự lây lan của biến chủng Delta, và kêu gọi Chính phủ Anh lùi kế hoạch gỡ bỏ toàn bộ các hạn chế vào ngày 21-6 như dự kiến.

Số liệu từ cơ quan y tế Anh cho thấy, trong vài ngày qua, Anh luôn ghi nhận trên 5.000 ca mắc mới, trong đó chủ yếu nhiễm biến chủng Delta. Ngày 9-6, Anh ghi nhận 7.322 ca mắc Covid-19 mới, con số theo ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh ở nước này lắng xuống vào giữa tháng 4. Chính phủ Anh thậm chí đã triển khai quân đội ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất để giúp xét nghiệm và truy vết. Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho biết, biến chủng Delta có mức độ lây nhiễm cao hơn 40% so với biến chủng Alpha phát hiện ở Anh và đang dần trở thành biến chủng chiếm đa số tại một số vùng của xứ sở Sương mù. Biến chủng Delta không chỉ lây nhiễm nhanh mà còn khó kiểm soát và ngăn chặn hơn. Với tốc độ lây nhiễm hiện nay của biến chủng này, các chuyên gia y tế cho rằng nước Anh sẽ đối mặt với rủi ro nghiêm trọng nếu gỡ bỏ toàn bộ các biện pháp phong tỏa vào ngày 21-6 tới, bởi biến chủng có thể gây ra các làn sóng dịch mới giống như tại các nước châu Á.

Từ một quốc gia nằm trong nhóm chịu tác động nặng nề nhất vì dịch bệnh, với hơn 4,48 triệu ca bệnh và hơn 127.000 ca tử vong, cao nhất tại châu Âu, hiện nay nhờ thành quả của chương trình tiêm chủng, Anh đang từng bước hoàn thiện kế hoạch mở cửa trở lại. Tính đến nay, Anh đã tiêm phòng mũi đầu cho gần 40 triệu người, tức là khoảng 75% tổng số người trưởng thành ở nước này. Tuy nhiên, đã có bằng chứng cho thấy vắc xin phòng Covid-19 giảm hiệu quả với biến chủng mới, biểu hiện rõ nhất ở những người mới tiêm một liều. Cụ thể, báo cáo của Cơ quan Y tế công cộng Anh (PHE) cho thấy, một liều vắc xin Pfizer hoặc AstraZeneca chỉ có hiệu quả khoảng 34% với biến chủng Delta. Do đó, việc trì hoãn thời điểm gỡ bỏ phong tỏa sẽ giúp nhiều người có thêm thời gian tiêm liều vắc xin thứ hai. Giới chức y tế cho biết hai liều vắc xin có khả năng ngăn ngừa biến chủng mới và khuyến khích người dân hoàn thành liệu trình.

Trong bối cảnh này, Bộ Y tế Anh đã điều chỉnh chiến lược tiêm vắc xin, theo đó rút ngắn khoảng cách giữa mũi 1 và mũi 2 xuống còn 8 tuần cho người trên 50 tuổi và nhóm các nhân viên y tế tuyến đầu. Bộ Y tế Anh đồng thuận cho rằng chiến lược điều chỉnh thời gian giãn cách mũi tiêm đóng vai trò quyết định để nước này thực hiện thắng lợi chiến dịch tiêm chủng. Do đó, việc gỡ bỏ toàn bộ các biện pháp phong tỏa tại nước Anh nhằm ngăn ngừa dịch Covid-19 phải được xem xét hết sức cẩn trọng.

Theo Hà Nội mới

Tin cùng chuyên mục