WHO: Biến chủng SARS-CoV-2 tại Ấn Độ đáng quan ngại cấp toàn cầu

Tính đến 6h ngày 11-5, thế giới có 159.578.770 ca mắc Covid-19, trong đó có 3.316.765 trường hợp tử vong. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, biến thể chủng mới của vi rút SARS-CoV-2 được phát hiện tại Ấn Độ, hay còn gọi là B.1.617, đã được phân loại ở mức biến chủng đáng quan ngại cấp độ toàn cầu.

Dịch Covid-19 tại ASEAN vẫn diễn biến phức tạp.

Châu Á

Trong 24 giờ qua, dịch Covid-19 tại Ấn Độ đã ghi nhận tín hiệu tích cực đầu tiên khi số ca nhiễm mới ở mức 329.517 ca, giảm so với ngưỡng hơn 400.000 ca mắc/ngày được ghi nhận những ngày gần đây. Số ca tử vong mới là 3.879 ca, chấm dứt chuỗi 2 ngày liên tiếp số trường hợp không qua khỏi được ghi nhận ở ngưỡng hơn 4.000 ca/ngày.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, số liệu thực tế của Ấn Độ có thể cao hơn nhiều so với báo cáo. Chính quyền của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đang đối mặt với sức ép kêu gọi áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc.

Trong khi đó, tình hình dịch bệnh tại Sri Lanka, quốc gia láng giềng với Ấn Độ, trở nên phức tạp. Các số liệu thống kê chính thức cho thấy, chỉ tính riêng từ đầu tháng 5 đến nay, Sri Lanka đã ghi nhận hơn 17.750 ca mới, chủ yếu do lây nhiễm biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2. Đáng chú ý, trong đợt bùng phát này, số ca mắc bệnh và cần điều trị tích cực ghi nhận ở nhóm trẻ tuổi tăng nhanh. Các cơ sở điều trị tích cực và các bệnh viện tại Sri Lanka đều đã hoạt động tối đa công suất.

Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) thông báo tạm cấm nhập cảnh với các du khách từ Bangladesh, Pakistan, Nepal và Sri Lanka từ ngày 12-5. Tương tự, Thái Lan đã mở rộng lệnh cấm nhập cảnh đối với khách quốc tế đến từ Pakistan, Bangladesh và Nepal nhằm ngăn chặn gia tăng các ca nhiễm biến chủng của vi rút phát hiện lần đầu tại Ấn Độ xâm nhập nước này. 

Dù Indonesia vẫn là ổ dịch Covid-19 nghiêm trọng nhất Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), song tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” đã bớt căng thẳng hơn so với 1 tháng trước đây, khi số ca mắc mới bắt đầu giảm và số ca tử vong không quá cao. 

Trong khi đó, diễn biến dịch đang trở lại và bùng phát nghiêm trọng ở Philippines, biến nước này thành ổ dịch nóng nhất khu vực. Dịch diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày cao nhất trong số các nước Đông Nam Á, trong khi số ca tử vong vẫn xấp xỉ 100 trường hợp.

Châu Âu

Đức đã dỡ bỏ hệ thống xác định nhóm đối tượng ưu tiên được tiêm vắc xin của hãng Johnson&Johnson (J&J). Theo đó, toàn bộ người trưởng thành có thể được tiếp cận loại vắc xin này. Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho biết, nhóm người trẻ tuổi hơn có thể lựa chọn có tiêm vắc xin J&J gồm một mũi hay không sau khi tham vấn với bác sĩ.

Trước thực tế các biến chủng mới lây lan mạnh mẽ, hãng dược phẩm BioNTech của Đức cho biết, ở thời điểm hiện tại, vắc xin phòng Covid-19 do hãng này cùng hãng dược Pfizer (Mỹ) phối hợp phát triển và bào chế không cần bất kỳ điều chỉnh nào để thích ứng với các biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2.

Cùng ngày, Bộ Y tế Nga cho biết, vắc xin ngừa Covid-19 mà nước này sản xuất, mang tên Sputnik Light, có thể bảo quản trong 6 tháng ở trạng thái đông đá với nhiệt độ dưới -18 độ C, và bảo quản trong 1 tháng khi ở dạng lỏng với nhiệt độ từ 2 đến 8 độ C. Vắc xin có thể được đóng gói dưới dạng lọ nhỏ hoặc ống tiêm với các liều lượng khác nhau. Một liều cần thiết để tiêm là 0,5ml.

Theo Trung tâm Nghiên cứu dịch tễ học và vi sinh quốc gia Gamaleya và Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF), trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I và II, vắc xin Sputnik Light cho thấy hiệu quả (28 ngày sau khi tiêm) là 79,4% và có tác dụng phòng ngừa đối với tất cả biến thể của vi rút SARS-CoV-2. Ngoài ra, chưa có phản ứng phụ nghiêm trọng nào được phát hiện trong quá trình thử nghiệm vắc xin này. Giám đốc điều hành RDIF, ông Kirill Dmitriev nhấn mạnh, Sputnik Light có giá thành sản xuất rẻ (dự kiến dưới 10 USD) và chỉ cần tiêm một mũi.

Thị trưởng thủ đô London (Anh) Sadiq Khan đã phát động chiến dịch trị giá 6 triệu bảng (8,4 triệu USD) nhằm thu hút du khách trở lại thành phố này, "đón đầu" quyết định của chính phủ dỡ bỏ các hạn chế trên khắp nước Anh. Chiến dịch này được đưa ra nhằm thúc đẩy du lịch nội địa, vốn bị ảnh hưởng nặng nề sau nhiều tháng đóng cửa và phong tỏa nhằm khống chế đại dịch Covid-19.

Tương tự, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran khẳng định, quốc gia này sẽ cho phép mở cửa trở lại các quán bar và nhà hàng phục vụ ngoài trời theo đúng kế hoạch vào ngày 19-5 khi số bệnh nhân Covid-19 cần điều trị tích cực đang giảm dần, xuống dưới mức 5.000 ca, lần đầu tiên kể từ cuối tháng 3.

Theo Hà Nội mới

Tin cùng chuyên mục