Đội văn nghệ giữ gìn bản sắc Cao Lan gồm 12 thành viên, sau những giờ lao động, các thành viên lại tập hợp đến nhà chị Nịnh Thị Sen để luyện tập.
Gia đình chị Nịnh Thị Sen, Chủ nhiệm Câu lạc bộ gìn giữ Văn hóa Cao Lan được biết đến là gia đình có truyền thống gìn giữ văn hóa dân tộc. Gia đình chị đã có đến 4, 5 đời đều là những “nghệ nhân” của làng. Chị Sen chia sẻ, khi còn sống bố chị luôn dăn dạy các con các cháu rằng, đã là người Cao Lan phải biết yêu và trân trọng văn hóa của dân tộc mình. Do đó chị luôn nỗ lực tìm tòi và gìn giữ kho báu của cha ông để lại là những bài hát, bài múa và truyền cảm hứng, lan tỏa cho nhiều thế hệ người Cao Lan.
Chị Sen cho biết: Trước kia thôn của chị có tên là thôn Vực Vại, sau khi sáp nhập thôn vào TP Tuyên Quang thì thôn Vực Vại đổi thành xóm 28, xã Kim Phú và một phần sáp nhập với tổ 5, phường Mỹ Lâm (TP Tuyên Quang). Nơi đây có số đông người Cao Lan sinh sống, do gần với trung tâm thành phố nên có một thời phong trào văn hóa, văn nghệ giữ gìn bản sắc đã bị mai một, lắng xuống. Với mong muốn giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc mình, chị Sen cùng với những người có chung niềm đam mê, yêu thích các làn điệu dân ca, đã tập hợp lại thành thành Đội văn nghệ giữ gìn bản sắc văn hóa Cao Lan. Đội gồm 12 thành viên, đây là những hạt nhân văn nghệ ở Vực Vại. Hàng ngày, sau những giờ lao động, các thành viên lại tập hợp đến nhà chị Sen để luyện tập các tiết mục múa, hát của người Cao Lan như múa khai đèn, múa chim gâu, múa cầu mùa …. mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Đội văn nghệ luện tập tiết mục múa Khai đèn.
Cụ bà La Thị Mềnh, thành viên Câu lạc bộ năm nay đã 74 tuổi cho biết, từ nhỏ bà thường theo các anh, các chị hát Sình ca. Theo năm tháng, Sình ca đã ngấm vào bà như một phần máu thịt không thể thiếu của cuộc sống. Hiện nay, lời cổ của Sình ca rất ít người hát được, nhưng khi đã hát được thì chỉ thích hát lời cổ, bởi nó có ý nghĩa vô cùng sâu sắc, với những câu hát ca ngợi tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương đất nước, về cuộc sống lao động sản xuất của con người...
Bà Mềnh dí dỏm kể rằng, Sình ca là cầu nối giúp vợ chồng bà ăn đời ở kiếp với nhau. Chồng bà Mềnh là người Yên Bái, khi đến nhà bà chơi dù lòng đã rất ưng nhưng vì ngại ngùng mà cả buổi ông chẳng thể bộc bạch được lòng mình. Bà Mềnh nhẩm bụng nghĩ, nếu ông cứ lặng thinh không nói nỗi lòng mình thì lỡ duyên đôi lứa. Thế là bà cất câu hát:
Anh ở Yên Bái thì em ở Tuyên Quang
Lại đây nói chuyện thầm thì
Tuyên Quang - Yên Bái có gì mà xa.
Từ câu hát Sình ca ấy, cuộc nói chuyện được cởi mở bằng những câu hát Sình ca liên tục được đối đáp trở lại. Mê mẩn trước những câu hát của bà mà ông đã không quản đường xa, lặn lội từ Yên Bái tới nơi đất khách làm rể: Anh thua anh tặng túi trầu/ Em thua em sẽ làm dâu nhà chàng.
Nhảy sạp đã trở thành nét văn hóa phổ biến của đồng bào dân tộc thiểu số.
Người dân Vực Vại bây giờ không chỉ có giữ gìn trang phục, điệu Sình ca, các bài múa mà còn gìn giữ chữ viết, tiếng nói và những mái nhà sàn truyền thống của người Cao Lan. Những tiết mục được đội văn nghệ sưu tầm, luyện tập để biểu diễn, không chỉ giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, mà còn góp phần hướng tới mục tiêu quảng bá văn hóa dân tộc đến với du khách thập phương theo hướng phát triển du lịch cộng đồng.
Gửi phản hồi
In bài viết