Trang bị kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ em dân tộc thiểu số

- Trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là trẻ em dân tộc thiểu số nghèo phải chịu nhiều thiệt thòi và là nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương nhất. Thời gian vừa qua, tại các địa phương trong tỉnh, công tác bảo vệ trẻ em đã nhận sự quan tâm, lãnh đạo, triển khai với nhiều giải pháp. Trong đó, nâng cao và trang bị kỹ năng về bảo vệ trẻ em nhằm phòng ngừa, giảm thiểu nguy cơ dẫn đến xâm hại trẻ em và dẫn đến trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, xây dựng và bảo đảm cho trẻ em sống trong môi trường an toàn, lành mạnh là giải pháp tối quan trọng.

Hưởng ứng Tháng hành động Vì trẻ em 2021: “Chung tay bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh”, Huyện đoàn Na Hang phối hợp với Chương trình Vùng Na Hang (Tổ chức Tầm nhìn thế giới) tổ chức nhiều hoạt động thiết thực. Các đơn vị đã tặng 5.538 suất quà cho trẻ em dân tộc thiểu số nghèo và có hoàn cảnh khó khăn tại 5 xã dự án: Yên Hoa, Đà Vị, Sơn Phú, Thanh Tương, Năng Khả trị giá trên 120 triệu đồng. Ngoài bánh kẹo, điều đặc biệt của mỗi món quà là xà phòng, ấn phẩm truyền thông tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 và giảm thiểu nguy cơ xâm hại trẻ em trên môi trường Internet. Đội ngũ cán bộ Đoàn của các xã không ngại khó, ngại khổ đến từng nhà trao quà cho từng em, hướng dẫn các bậc phụ huynh và trẻ em các bước rửa tay đúng cách để phòng chống dịch Covid-19; 

kỹ năng tự bảo vệ trên không gian mạng. Bên cạnh đó, các đơn vị đã phối hợp tổ chức cuộc thi sáng kiến truyền thông về “Chấm dứt bạo lực trẻ em và phòng, chống dịch bệnh Covid-19”. Cuộc thi được triển khai bằng 2 hình thức thi vẽ tranh và thi sáng tác ca khúc với các nội dung: những hành vi bạo hành trẻ em, tệ nạn xã hội và cách phòng tránh; cảnh báo những nguy cơ và hành vi xâm hại trẻ em; ước mơ, mong muốn hoặc những việc làm của trẻ em trong tuyên truyền, phòng, chống dịch bệnh... 

Hướng dẫn, trang bị kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ trên không gian mạng của phụ huynh xã Thanh Tương (Na Hang).

Chị Ma Thị Loan, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Thanh Tương cho biết, xã hội hiện đại mang đến cho cuộc sống con người nhiều tiện ích, sự thoải mái nhưng cũng tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm, đặc biệt là đối với trẻ em. Nhất là trong dịp hè này, do dịch bệnh nên các em không thể đến trường, tụ tập vui chơi lành mạnh thì chiếc điện thoại thông minh trở thành “người bạn” thường xuyên của trẻ em. Chị được hướng dẫn kỹ năng sử dụng mạng Internet an toàn để trẻ em tự bảo vệ mình, chị và con gái được trang bị kỹ năng phát hiện các yếu tố, hành vi gây tổn hại, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Qua đó, chị sẽ quản lý tốt hơn và hướng dẫn con sử dụng Internet, điện thoại lành mạnh.

Năm học 2020 - 2021, Hội đồng Đội huyện Lâm Bình chỉ đạo 100% liên đội “Xây dựng tình bạn đẹp - nói không với bạo lực học đường”; thực hiện “Văn hóa chào hỏi” trong học sinh các trường trên địa bàn huyện. Nhằm xây dựng hình ảnh học sinh huyện Lâm Bình sống có đạo đức, văn minh, thân thiện, lịch sự, giao tiếp có văn hóa. Đồng chí Trần Đại Nghĩa, Phó Chủ tịch Hội đồng Đội huyện nhấn mạnh, trẻ em dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện chiếm 97,4%. Thông qua hoạt động Đội và các tiết học ngoại khóa, các Liên đội tuyên truyền, trang bị cho đội viên, nhi đồng trải nghiệm kỹ năng tự bảo vệ an toàn cho bản thân khi tham gia giao thông, thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về độ tuổi điều khiển phương tiện giao thông; tác hại và hậu quả mà ma túy, bia rượu, các chất kích thích và các tệ nạn xã hội khác mang lại, kiên định, cảnh giác trước sự lôi kéo, rủ rê của các đối tượng xấu… Bên cạnh đó, thanh thiếu nhi của huyện được tham gia các hoạt động học tập, rèn luyện các kỹ năng tự bảo vệ bản thân trong đại dịch Covid-19: Đeo khẩu trang nơi công cộng, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước sạch, hoặc bằng dung dịch sát khuẩn có cồn, tăng cường vận động, thể thao…

Em Bế Hoàng Linh, học sinh lớp 9A, Liên đội trưởng trường THCS Thượng Lâm (Lâm Bình) bày tỏ, bản thân chúng em cần rất nhiều kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ khi hòa nhập với cộng đồng, trong trường học hay trong chính ngôi nhà của chính mình. Thời gian qua, qua các hoạt động trong trường học, em và các bạn được trang bị những kỹ năng phòng chống lạm dụng tình dục, kỹ năng phòng, chống đuối nước, tai nạn, thương tích, kỹ năng phòng chống bạo lực gia đình, học đường… Em cũng được hướng dẫn gọi đến Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em số 111 để tố cáo khi phát hiện hành vi trẻ em bị xâm hại cả về thể chất, tinh thần; để được tư vấn chuyên sâu về các mối quan hệ ứng xử, sức khỏe tâm sinh lý, sức khỏe sinh sản, chính sách, pháp luật về trẻ em…

Công tác bảo vệ trẻ em, trong đó trang bị kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ em dân tộc thiểu số là trách nhiệm của cộng đồng, nhà trường và gia đình. Bởi vậy, trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, những người làm công tác trẻ em, đội ngũ giáo viên cần không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật, kỹ năng sống, hoạt động về thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em trong nhà trường, gia đình và cho chính trẻ em. Đa dạng các hình thức truyền thông, giáo dục, vận động xã hội trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội, truyền thông trực tiếp đến gia đình, cơ sở giáo dục và cộng đồng nhằm thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.

Bích Hằng

Tin cùng chuyên mục