Định hướng âm nhạc cho giới trẻ

- Cùng với dòng chảy của thời gian, thị trường âm nhạc Việt Nam đã bước qua những lối rẽ khác nhau. Cùng với nó, văn hóa của người nghe nhạc cũng có sự thay đổi nhất định, xuất hiện những xu hướng thể loại nhạc khác nhau. Bên cạnh sự tiếp ứng tích cực thì có một số trào lưu âm nhạc chạy theo sự hối hả của cuộc sống, của kinh tế thị trường, dẫn đến tình trạng rối ren, xô bồ… Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến “gu” thưởng thức âm nhạc của khán thính giả. Do đó cần định hướng để giới trẻ cảm thụ được cái hay cái đẹp của âm nhạc. Đặc biệt là dòng nhạc chính thống, mang đậm bản sắc dân tộc.

Nhiều năm qua, dòng nhạc trẻ với nhiều thể loại như rock, pop, hiphop, blad… đang thịnh hành trong nước. Nhiều người đưa ra nhận định rằng nhạc trẻ hiện nay đang trong xu hướng phát triển và có nhiều thay đổi, với sự bùng nổ của các ca khúc mang tính tự phát cao. Những người trẻ ở Tuyên Quang phần nào chịu sự chi phối và ảnh hưởng của phong cách âm nhạc thị trường.


Nhiều người trẻ yêu thích các ca khúc cách mạng.

Em Đỗ Minh Trí, học sinh trường THPT Tân Trào (TP Tuyên Quang), chia sẻ: “Em thần tượng ca sỹ hát theo thể loại hiphop nên thường lên mạng để nghe và luyện tập theo mỗi khi có thời gian rảnh rỗi. Dòng nhạc này mang phong cách trẻ trung và hơi “quái” rất phù hợp với cá tính của người trẻ. Gần đây em còn chủ động gia nhập nhóm nhảy hiphop của một số bạn bè và lên kế hoạch luyện tập vào mỗi buổi tối tại công viên Khu đô thị VinCom để có thể hát và di chuyển từng bước điêu luyện như các ca sỹ”.

Còn bạn Hoàng Lan Anh, sinh viên trường Đại học Tân Trào lại yêu thích ca khúc theo dòng nhạc blad nhẹ nhàng. Lan Anh cho biết: “Có nhiều ca sỹ theo thể loại này nhưng em thích nhất là Mr.Sio, Bảo Anh và Bích Phương. Cứ mỗi lần các ca sỹ này chuẩn bị có MV mới là em đều đón đợi. Bên cạnh các ca khúc có ca từ, giai điệu hay thì cũng có một số ca khúc ca từ chưa được hợp lý, sâu sắc nhưng em vẫn thích vì giai điệu nhẹ nhàng, uyển chuyển”.

Có thể thấy, “gu” thưởng thức âm nhạc của giới trẻ chịu tác động lớn đến nhạc đang thịnh hành trên thị trường. Có nhiều ca sỹ, nhạc sỹ lao động nghệ thuật nghiêm túc thì xuất hiện những tác phẩm “mì ăn liền”. Trước đây, một ca khúc khi đến được với công chúng và tạo nên sự thành công là cả quá trình trải nghiệm thực tế, lẫn sự trăn trở, băn khoăn và thai nghén của những nhạc sỹ tài năng. Còn hiện nay, quá trình sáng tác, lao động nghệ thuật ở một số bộ phận xu hướng sơ sài hơn rất nhiều. Chưa kể đến việc nhiều ca sỹ có chiêu trò tạo “hiệu ứng”, scandal, như: Hát nhép, ăn mặc sexy để câu khán giả hay tung ra những sản phẩm mà nhiều người cho là “thảm họa” âm nhạc...

Với thực trạng của thị trường âm nhạc như hiện nay, chúng ta cần có những định hướng để giới trẻ có được cách cảm thụ âm nhạc đúng đắn, yêu thích tác phẩm có chất lượng, có giá trị nghệ thuật.

Theo Nghệ sỹ ưu tú Đinh Tiến Bình thì có thể thấy nhận thức rõ vai trò âm nhạc, nhiều chương trình âm nhạc hay thường xuyên lên sóng, phần nào khơi dậy tinh thần dân tộc, giáo dục âm nhạc truyền thống cũng như định hình lại phong cách âm nhạc cho khán giả yêu nhạc, nhất là thế hệ trẻ. Có thể kể đến các chương trình: Giai điệu tự hào, Sao mai điểm hẹn, Sing my song, Bài hát Việt... Còn tại Tuyên Quang, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh thường xuyên có chương trình ca nhạc hát bài hát truyền thống, giới thiệu ca khúc mới của các tác giả trong tỉnh. Chưa kể đến các tiết mục văn nghệ tại các chương trình, sự kiện lớn của tỉnh đều biểu diễn ca khúc âm nhạc chất lượng. Qua đó, phần nào giúp các bạn trẻ nhận thức được giá trị của âm nhạc để thêm yêu gia đình, quê hương, đất nước qua từng giai điệu, lời ca.

Còn tại các trường học, nhà trường thường xuyên khuyến khích các học sinh hướng đến âm nhạc truyền thống thông qua các Câu lạc bộ hát Then, Câu lạc bộ hát Páo dung... Thầy giáo Âm nhạc Đoàn Văn Cương, trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Na Hang chia sẻ, tại các chương trình văn nghệ, giáo viên hướng các em luyện tập, biểu diễn các tiết mục âm nhạc dân tộc truyền thống. Đồng thời qua các tiết giảng dạy thầy luôn chú trọng định hướng cho các em cảm thụ bài hát hay, đặc sắc để nâng cao trình độ thẩm âm nhạc cho các học trò.

Đưa ra định hướng và giải pháp, nhạc sỹ Tân Điều, Phân hội trưởng Phân hội Âm nhạc, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh chia sẻ, để âm nhạc truyền thống đến với giới trẻ nhiều hơn, việc cần làm là phải giáo dục từ trong nhà trường, gia đình, từ các buổi sinh hoạt cộng đồng ở khu dân cư. Các chương trình, cuộc thi hát về nhạc truyền thống cũng rất cần thiết để khơi dậy nhiệt huyết trong mỗi em. Đó là một cách làm hiệu quả cho công tác giáo dục truyền thống trong thanh niên. Bên cạnh đó, chúng ta cần tôn vinh kịp thời các ca khúc có giá trị nghệ thuật cao, mang đậm bản sắc dân tộc và có giải pháp đưa âm nhạc bác học đến gần hơn với công chúng nhằm nâng cao thị hiếu âm nhạc của giới trẻ ngày nay.

Giang Lam

Tin cùng chuyên mục