Nhảy sạp - vũ điệu sôi động trong văn hóa các dân tộc

- Nhảy sạp là vũ điệu sôi động được đồng bào các dân tộc duy trì hầu hết trong các buổi giao lưu, gặp mặt và sinh hoạt cộng đồng. Hiện nay, nhảy sạp còn được các cơ sở homestay khai thác như một sản phẩm du lịch văn hóa trải nghiệm độc đáo.

Homestay San Thơ, thôn Nà Khá, xã Năng Khả (Na Hang) có khuôn viên rộng rãi để du khách
tổ chức hoạt động nhảy sạp, đốt lửa trại

Bà Hoàng Thị Thơ, chủ cơ sở homestay San Thơ,  ở thôn Nà Khá, xã Năng Khả (Na Hang) cho biết, để tạo ra không gian thư giãn, giải trí lành mạnh cho du khách, bà bố trí khuôn viên rộng rãi, thoáng mát. Trong đó có khoảng sân rộng để mọi người có thể tổ chức các hoạt động ngoài trời như đốt lửa trại, nhảy sạp. So với hoạt động đốt lửa trại thì nhảy sạp dường như hấp dẫn du khách hơn. Nắm bắt sở thích này của du khách, cơ sở homestay của bà liên kết với một số chị em trong thôn thành lập đội văn nghệ. Các thành viên đội văn nghệ trong trang phục truyền thống của dân tộc Tày vừa hát Then, đàn Tính, vừa cùng du khách nhảy sạp mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách.

Không chỉ các cơ sở homestay mà tại các buổi giao lưu văn nghệ, nhảy sạp cũng là vũ điệu thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia. Bà Đàm Thị Hạnh, thành viên CLB gìn giữ bản sắc văn hóa Cao Lan thôn Động Sơn, xã Chân Sơn (Yên Sơn) bày tỏ, để thu hút khách đến với Động Sơn, các thành viên CLB không chỉ duy trì các làn điệu dân ca, dân vũ của người Cao Lan mà còn đầu tư điệu nhảy sạp để sẵn sàng phục vụ nhu cầu du khách.

Bà cho biết, đội múa sạp được chia làm 2 tốp: 1 tốp sẽ đảm nhận nhiệm vụ đập sạp và một tốp là nhảy sạp. Với tốp nhảy sạp đòi hỏi cách nhảy sạp vừa đúng nhịp điệu tiết tấu vừa phải có những động tác khéo léo của tay chân nếu không sẽ giẫm lên sạp và làm hỏng cả bài múa. Còn đối với người đập sạp phải đưa rất đều tay, đúng nhịp với tốc độ vừa phải. Thông thường lúc đầu tốc độ đập sạp sẽ chậm để người nhảy dễ dàng nhập cuộc hơn nhưng càng về sau sẽ dồn dập hơn, tăng độ khó từ đó khiến buổi múa sạp trở nên sinh động hấp dẫn người xem hơn.

Du khách hòa mình vào điệu nhảy sạp cùng bà con dân tộc Cao Lan, thôn Động Sơn, xã Chân Sơn (Yên Sơn).

Hòa mình vào điệu nhảy sạp cùng bà con người Cao Lan thôn Động Sơn, chị Lương Thị Loan, một du khách đến từ tỉnh Yên Bái tỏ ra vô cùng phấn khích. Chị Loan bày tỏ, chị rất thích vũ điệu này vì sự sôi động. Thú vị hơn là các chị em người Cao Lan trong trang phục truyền thống nhảy sạp rất vui nhộn khiến người xem không thể không hòa cùng điệu nhảy. Chị cho rằng, đây sẽ là vũ điệu hứa hẹn nhiều sự hấp dẫn với du khách.

Nhảy sạp là một nét văn hóa đặc trưng và độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao. Việc đưa vũ điệu này vào các hoạt động tập thể chính là cách quảng bá, giới thiệu chân thực, sống động về văn hóa của đồng bào các dân tộc. Thông qua hoạt động này, đồng bào dân tộc gửi gắm thông điệp về tình đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng các dân tộc, làng bản.

Bài, ảnh: Hoàng Anh

Tin cùng chuyên mục