Bà mế người Dao

- Có lẽ ai trong chúng ta đều nghe đến bài thuốc tắm lá nổi tiếng của người Dao đỏ, nhất là thuốc tắm cho phụ nữ sau sinh. Ngoài ra, còn nhiều bài thuốc quý chữa các bệnh về xương khớp, dạ dày, gan, trĩ, đau dây thần kinh... Một trong số người nắm trong tay bí kíp các vị thuốc quý của dân tộc Dao đỏ là bà Chúc Thị Man, thôn Cổ Yểng, xã Thanh Tương (Na Hang).

Một số cây thuốc được bà Man trồng tại vườn nhà.

Bà Man chia sẻ, bà được mẹ truyền lại các bài thuốc dân gian. Để nhớ các loại cây thuốc, thời bé bà vẫn theo mẹ đi lấy thuốc. Có cây không nhớ tên nhưng lấy mãi thành quen.

Thuốc nam của đồng bào Dao cần rất nhiều loại cây. Nếu chữa đau dây thần kinh 6 vị, đau dạ dày 5 vị, thuốc tắm cho bà đẻ 7 vị và thuốc uống là 4 vị, xương khớp 7 vị... Ưu điểm của các loại thuốc nam là lành tính, có tác dụng bồi bổ cơ thể, thanh lọc gan, giải độc.

Rồi bà giải thích cặn kẽ rằng, thuốc muốn phát huy tác dụng cần phải dùng đúng thời điểm. Ví như thuốc tắm cho phụ nữ sau sinh, đẻ sau 3 ngày thì tắm lá thuốc. Khi tắm, tuyệt đối không pha thêm nước và chỉ ngâm mình trong chậu nước thuốc để thuốc ngấm dần vào cơ thể. Ngày nào cũng tắm cho đến khi hết thuốc (khoảng 5-7 ngày). Nếu lấy được nhiều hơn thì tắm cả tháng càng tốt. Kết hợp với với thuốc tắm là thuốc uống sau sinh. Phụ nữ đẻ xong, sau 30 phút uống luôn cây thuốc này ( 2 vị là hìa xám, cỏn chân) để cầm máu, sau đó một ngày uống sang vị khác (đìa gián và trằn hốp) để co dạ con. Phụ nữ Dao sau khi đẻ hầu hết cơ thể hồi phục nhanh, có thể lên nương, làm rẫy là bởi uống và tắm các vị thuốc này.

Cứ lúc rảnh rỗi, bà Man lại đi hái thuốc.

Kinh nghiệm cả đời lấy thuốc bà Man rút ra, mỗi thang thuốc chữa bệnh, đều có loại rất quan trọng mà nếu thiếu cây ấy không thành vị thuốc. Đơn giản như thuốc chữa xương khớp, trước đây bà bán rất nhiều. Bà đóng thành từng gói, mỗi gói 200 nghìn đồng. Loại này có 7 vị thuốc nhưng 1 năm trở lại đây, bà chỉ tìm được 6 loại cây, cây thuốc còn lại không tìm được nên bà không bán thuốc này nữa.

Hay cây thuốc chữa bệnh trĩ, chỉ một loại duy nhất, đó là cây trằn hốp hây. Nhưng phải là loại đỏ, dây leo chứ loại màu trắng là không nên thuốc. Cây này rất hiếm. Bà tìm cả 10 năm mới thấy cây. Đó là lần đi chăn trâu, vô tình thấy người dân chặt bỏ khi phát nương trồng rừng. Vậy là bà lấy hết về, băm nhỏ, phơi khô được khoảng 20 gói. Ai bị trĩ, chỉ cần uống một gói trong vòng nửa tháng là khỏi. Tiếc rằng cây này giờ rất khó tìm.

Không chỉ cây trằn hốp mà một số loại cây thuốc giờ rất khó tìm. Để thuận lợi cho việc lấy thuốc, bà cũng mang một vài loại thuốc về trồng vườn nhà, nhưng có cây sống, có cây sống 1-2 năm lại lụi dần rồi chết. Bà giải thích, có lẽ, loại cây này quen sống ở rừng già nên đưa về vườn nhà trồng không phù hợp. Vì thế, quan trọng nhất vẫn giữ được những khu rừng nguyên sinh thì các cây thuốc quý mới có đất sống.

Bài, ảnh: Hoàng Anh

Tin cùng chuyên mục