Đồng bào Cao Lan giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc

- Dân tộc Cao Lan, hay còn gọi là Sán Chay là dân tộc thiểu số chiếm dân số khá đông trên địa bàn tỉnh, với hơn 70 nghìn người. Đồng bào Cao Lan cư trú chủ yếu ở 37 xã, phường thuộc huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Hàm Yên và thành phố Tuyên Quang. Những năm qua, cùng với phát triển kinh tế, nâng cao đời sống mọi mặt, đồng bào luôn chú trọng gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.

Trang phục của người Cao Lan xưa người đàn ông mặc áo chàm, mũ nồi, quần nâu. Còn phụ nữ mặc váy chàm, áo bươm bướm, đầu đội khăn chàm. Áo tứ thân đóng cúc ở nách, áo và váy dài đến ngang bụng, chân cuốn xà cạp trắng. Lưng dắt hai dải lục màu hồng và xanh lơ, buông dài phía trước ngang bằng gấu váy. Ngày nay, phụ nữ Cao Lan mặc áo nối thân, từ hai tay áo đến giữa ngực và lưng màu hồng, đỏ, phần dưới áo là màu chàm hoặc đen, tạo sự hài hoà, đẹp mắt.

Đồ trang sức, phụ nữ Cao Lan đeo từ 1 đến 3 vòng cổ, tay đeo 1-2 vòng, có chùm dây xà tích. Tất cả đều bằng bạc.

Đồng bào Cao Lan hát Sình ca.

Đời sống văn hoá, văn nghệ của đồng bào Cao Lan rất phong phú. Đặc trưng là điệu hát Sình Ca (hát ví) và các điệu múa dân gian. Tiêu biểu như: Múa khai đèn, múa dâng hương, dâng hoa, múa xúc tép, múa giã cốm, múa tra hạt… Trong đó, có nhiều điệu múa được các câu lạc bộ giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc ở các địa phương khôi phục và gìn giữ, thường biểu diễn trong các lễ hội, liên hoan văn hoá, văn nghệ các cấp.

Đặc biệt, lễ hội truyền thống đầu năm của đồng bào Cao Lan được các địa phương duy trì gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ được tổ chức trang trọng, lễ vật do nhân dân đóng góp là những sản vật của địa phương dâng lên Thành hoàng làng, thánh, thần… cầu mong một năm gặp nhiều may mắn, mưa thuận, gió hoà, mùa màng bội thu. Phần lễ với nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ, trò chơi dân gian phong phú, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho mọi người sau một năm tích cực lao động, sản xuất vất vả.

Đồng bào Cao Lan biểu diễn điệu múa giã cốm.

Anh Hoàng Xuân Hậu, thôn 9, xã Lưỡng Vượng, thành phố Tuyên Quang phấn khởi cho biết, hàng năm, cứ vào mùng 3 Tết, UBND xã, thôn lại tổ chức Lễ hội Đình Song Lĩnh. Ngoài phần lễ, cầu xin những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với mọi người trong năm mới, phần hội có văn nghệ, thi tung còn diễn ra rất sôi nổi. Đây là dịp để mọi người được gặp gỡ, giao lưu, du xuân rất ý nghĩa. Vì vậy, năm nào cả gia đình anh cũng tham gia lễ hội. Bên cạnh đó, có rất nhiều người dân ở các địa phương khác và du khách tham gia.

Với nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ đặc trưng, đồng bào dân tộc Cao Lan đã và đang cùng với các dân tộc thiểu số khác trên địa bàn tỉnh tích cực giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc dân tộc mình ở địa phương. Từ đó, góp phần làm phong phú đời sống văn hoá, tinh thần của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Huyền Linh

Tin cùng chuyên mục