Kèn Pí Lè: Thanh âm kết nối những tâm tình

- Cùng với các nhạc cụ như Tù Và, Chũm Chọe, Chiêng…thì kèn Pí Lè trong đời sống văn hóa của người Dao là thanh âm đặc biêt, chứa đừng nhiều điều thú vị. Đó là phương tiện giao tiếp của con người với thế giới tâm linh, lời gửi gắm của lòng người với trời đất, núi rừng; lời yêu thương giữa cha mẹ và con cái; lời tự tình của lứa đôi...

Kèn Pí Lè thường được người Dao sử dụng vào những dịp thực hiện các nghi lễ, ngày Tết, cưới hỏi, cấp sắc…Kèn có hình dáng nhỏ gọn, giản đơn, gồm 3 phần: Đầu thổi, thân kèn và loa kèn. Với người Dao, chiếc kèn được coi như báu vật của dòng tộc, không thể bán, không được đánh mất.

Tiếng kèn Pí Lè được sử dụng trong Lễ Cấp sắc của người Dao.

Kĩ thuật quan trọng nhất đối với người bắt đầu học kèn là cách điều hòa hơi thở từ việc nín hơi, nhả hơi và giữ hơi. Người thổi thường lấy hơi đằng mũi, đẩy hơi ra miệng thông qua đầu thổi tác động vào những lỗ nhỏ trên thân kèn. Bằng sự cảm thụ riêng, người thổi sẽ uyển chuyển, linh hoạt thực hiện các kỹ thuật rung hơi, vuốt hơi, phối hợp với các ngón tay bấm, vuốt trên thân kèn để tạo ra những âm thanh theo ý muốn.

Kèn Pí Lè có thể thổi được 72 giai điệu khác nhau, như trong lễ cưới thì giai điệu vui tươi, rộn rã; còn đám tang thì nỉ non, buồn tẻ; trong lễ cấp sắc thì lúc trầm, lúc bổng.

Theo phong tục từ xa xưa truyền lại, đối với người Dao, đặc biệt người Dao Đỏ, đám cưới là nghi lễ quan trọng nhất trong đời người nên dù trong hoàn cảnh nào thì cũng phải có tiếng kèn. Tiếng kèn cất vang thể hiện sự trang trọng, đàng hoàng của gia đình.Kèn Pí lè là vật thiêng, xua đi sự xui xẻo, mang lại sự may mắn, bình an. Chính vì vậy, trên đường đưa dâu, đội kèn luôn đi trước.

Tiếng kèn Pí lè trong lễ hội người Dao.

Cái phong phú, độc đáo ở kèn Pí Lè đó là có thể thổi được nhiều bài khác nhau.Ở lễ cưới, chỉ cần khi cô dâu đến đã có các bài như: Đón nhà gái, đón cô dâu, tiễn nhà gái... Còn riêng phần Pái Tòong (bái đường) đã có đến ba bài khác nhau (bái tổ tiên, bái cha mẹ, bái họ hàng và những người cao tuổi).Giai điệu khi rộn rã, vui tươi, khi da diết diễn tả tâm trạng nhớ nhà của cô dâu mới khi về nhà chồng. Càng về sau, phần hội, tiếng kèn càng trở nên dồn dập, da diết, khiến mọi người tham dự lễ cưới đều trào dâng cảm xúc chung vui.

Điều quan trọng với bất cứ người mới học thổi kèn nào, trước tiên phải tập thật tốt bài cúng tổ tiên.Đó là điều bắt buộc, cũng là để tỏ lòng kính trọng tổ tiên.Có như thế thì tổ tiên mới phù hộ người trẻ nên duyên với “nghiệp kèn”.

Theo dòng chảy thời gian, kèn Pí Lè là một nhạc cụ đặc trưng, nét đẹp văn hóa của dân tộc Dao. Qua đó, thể hiện sự kết giao đặc biệt giữa thế giới tâm linh và thế giới thực, hướng con người về với tổ tiên nguồn cội.

Mai Linh

Tin cùng chuyên mục