Nếp nhà sàn của người Dao ở xóm Dùm

- Nhà sàn là căn nhà truyền thống của đồng bào dân tộc Tày, Cao Lan, Nùng, Dao... Trước nhịp sống hiện đại, nhà sàn có ít nhiều biến đổi, ngôi nhà có thể làm bằng khung gỗ hoặc cột bê tông. Song, dù làm theo cách nào thì những nét văn hóa trong ngôi nhà sàn vẫn được gìn giữ như một báu vật. Đó là trải lòng của ông Đặng Văn Tiến, dân tộc Dao ở xóm Dùm, phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang).

Ngôi nhà sàn cột bê tông của gia đình anh Chu Văn Quý ở xóm Dùm.

Gia đình ông Tiến là hộ duy nhất trong xóm còn giữ được căn nhà sàn bằng gỗ truyền thống. Theo ông Tiến, để dựng được căn nhà này phải mất vài tháng, thậm chí cả năm hoặc lâu hơn. Nguyên liệu dựng nhà là cột, ván, sàn, cọ,… phải có quá trình tìm kỹ càng, vào tận rừng sâu, núi cao. Sau đó, ngâm tươi dưới nước và bùn trong khoảng thời gian từ 3 đến 6 tháng để chống mối mọt. Người Dao rất cẩn trọng trong việc lựa chọn hướng để làm nhà, thường là lưng tựa vào núi, mặt trước hướng ra sông, suối. Cách bố trí bàn thờ tổ tiên, nơi tiếp khách, bếp núc cho tới buồng ngủ của các thành viên trong gia đình đều phải thể hiện rõ được ý đồ và những tập quán riêng của đồng bào Dao. Vào ngày dựng nhà, đông đảo người trong dòng họ và người ngoài tập trung từ sáng sớm, sau đó từng nhóm người ở từng vị trí khác nhau của căn nhà để cùng nhau nâng, kéo khung nhà lên theo tiếng hô của ông trưởng họ. Chính vì thế, nhà sàn thể hiện rõ tính đoàn kết trong cộng đồng.

Trong nhà sàn đơn sơ này, gia đình ông Tiến vẫn duy trì những nét văn hóa truyền thống của người Dao như: Mặc quần áo truyền thống, hát Páo dung. Bản thân ông Tiến còn là người được đồng bào Dao tín nhiệm làm trưởng làng. Vào những ngày lễ của người Dao, trong căn nhà sàn truyền thống này, ông Tiến thay mặt dân làng thực hiện các nghi lễ, cầu cho người dân luôn mạnh khỏe, thóc lúa đầy bồ, nhà nhà no ấm.

Ngoài căn nhà sàn bằng gỗ của ông Tiến, xóm Dùm có 20 hộ đồng bào Dao làm nhà sàn cột bê tông. Gia đình anh Chu Văn Quý có căn nhà khang trang hơn cả. Anh Quý cho biết, anh làm căn nhà này hết khoảng 600 triệu đồng. Ngoài việc thay khung nhà, cột kèo bằng bê tông thì việc thiết kế vẫn theo lối truyền thống. Nhà 3 gian, hai mái, có nhiều cửa sổ để đảm bảo sự thoáng mát và tận dụng tối đa ánh sáng. Ưu điểm của nhà sàn bằng bê tông là thời gian thi công được rút ngắn, nhanh hoàn thiện mà vẫn đảm bảo chất lượng cho ngôi nhà.

Trong nếp nhà sàn, người dân vẫn duy trì nét văn hóa truyền thống của đồng bào Dao như mặc quần áo dân tộc, hát Páo dung.

Theo bà Vũ Thị Thu, Trưởng Ban Công tác mặt trận thôn, kiến trúc nhà sàn phù hợp với địa hình đồi núi cũng như tập quán sinh hoạt của người dân xóm Dùm. Hơn nữa, khi nguyên liệu bằng gỗ ngày càng hiếm thì việc cách điệu những ngôi nhà sàn là phù hợp trong giai đoạn hiện nay.

Nếu những ngôi nhà sàn bằng gỗ mang lại vẻ đẹp mộc mạc, giản đơn thì những ngôi nhà sàn bằng bê tông mang đến nét đẹp hiện đại pha lẫn truyền thống. Bởi thế, dù làm theo cách nào thì tính thẩm mỹ của những ngôi sàn vẫn đảm bảo, và những nét văn hóa đẹp vẫn trường tồn trong đời sống đồng bào Dao ở xóm Dùm.

Bài, ảnh: Hoàng Anh

Tin cùng chuyên mục