Nghề thủ công của người Tày

- Là dân tộc chiếm số đông trong cộng đồng các dân tộc trong tỉnh, đồng bào Tày không chỉ lưu giữ vốn văn hóa truyền thống lâu đời mà còn duy trì nghề thủ công truyền thống. Với bản tính cần cù chịu khó, đồng bào Tày ở đâu là nghề truyền thống lại phát triển ở đó.

Bà con khu tái định cư thôn 8, xã Kim Phú nâng cao thu nhập từ nghề làm tăm

Đến một số xã của huyện Chiêm Hóa như Trung Hòa, Vinh Quang, Kim Bình, chúng ta dễ bắt gặp hình ảnh bà con ngồi đan cót. Người chẻ nan, phơi nan, người đan cót... khiến không khí làng quê thêm tấp nập. Đón chúng tôi trong căn nhà sàn truyền thống, chị Đặng Thị Kim, thôn Bó Củng, xã Kim Bình chia sẻ, đan cót là nghề truyền thống của người dân nơi đây. Bất cứ lúc nào rảnh là bà con lại đan cót. Công đoạn chặt tre hoặc nứa thường do đàn ông đảm nhiệm. Phụ nữ chẻ nan, phơi nan rồi đan. Trung bình một lá cót dài chừng 2 mét đan mất khoảng gần 1 giờ đồng hồ, có người đan nhanh chỉ mất 40-45 phút. Giá mỗi lá cót dao động từ 10-20.000 đồng tùy kích cỡ cũng giúp bà con có thêm thu nhập. Hiện nay, xã Kim Bình đang đẩy mạnh phát triển du lịch, trong đó có du lịch trải nghiệm. Và việc duy trì phát triển nghề đan cót truyền thống trong những căn nhà sàn homestay chính là cách để quảng bá du lịch riêng có của địa phương.

Chiếc nón vẫn gắn bó với đời sống hàng ngày của phụ nữ Tày ở xã Hùng Mỹ

Cũng tận dụng nguyên liệu từ tre, nứa, đồng bào Tày ở khu tái định cư xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) lại tăng thu nhập từ nghề làm tăm. Bà Ma Thị Tiêu thôn 8 chia sẻ, người dân ở đây phần lớn là đồng bào Tày từ xã Trùng Khánh, huyện Na Hang chuyển về theo chương trình di dân tái định cư thủy điện Tuyên Quang. Trên quê hương mới, mọi thứ đều phải cố gắng, bà con đã chọn nghề mà ai cũng có thể làm được là làm tăm. Với giá bán 120-150 nghìn đồng/kg, mỗi ngày bà cũng kiếm thêm khoảng 100 nghìn đồng. Chính bởi thế, làm tăm mặc dù thu nhập không cao nhưng cũng giúp bà con cải thiện cuộc sống. Ý nghĩa hơn là bà con có thể vừa vót tăm vừa có thể cùng người dân trong xóm trò chuyện, ca hát. Vì thế, làn điệu Then được duy trì, phát triển mạnh ở nơi đây.

Đến thôn Bó Củng, xã Kim Bình, du khách sẽ được trải nghiệm đan cót cùng phụ nữ Tày

Cùng với làm tăm, đan cót, thì nghề đan nón cũng được đồng bào Tày ở thôn Rõm, xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) duy trì, phát triển. Sự tiện lợi của chiếc nón như che nắng, che mưa, làm quạt và cả làm duyên con gái khiến chiếc nón trở thành vật dụng thân thiết, không thể thiếu với người phụ nữ Tày. Bà Ma Thị Bình, thôn Rõm chia sẻ, mặc dù số người biết đan nón ngày càng ít đi nhưng số người dùng nón lại không giảm. Chính vì vậy dù tuổi đã cao bà vẫn duy trì nghề đan nón như một niềm đam mê. Ngày nào không được đan nón là bà thấy nhớ. Bà mong lớp trẻ sẽ duy trì nghề đan nón để chiếc nón lá của người Tày không chỉ là đồ dùng tiện ích mà còn là biểu tượng của văn hóa truyền thống của cộng động dân tộc Tày.

Bài, ảnh: Hoàng Anh

Tin cùng chuyên mục