Toàn cảnh Di tích Khấu Lấu - Vực Hồ, thôn Bòng, xã Tân Trào (Sơn Dương).
Lần thứ nhất, Bác ở từ tháng 4 đến tháng 5-1949, trong căn lán nhỏ theo kiểu nhà sàn gần bờ sông Phó Đáy. Tại đây Người đã viết bài báo Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng, nói về ý nghĩa, mục đích và phương pháp phê bình. Cũng tại đây, Bác đã chỉ đạo, chủ trì các hội nghị Trung ương mở rộng để thảo luận các đề án chính trị, chính quyền, kinh tế… chuẩn bị cho Đại hội Đảng.
Lần thứ hai, Bác ở từ tháng 6-1949 đến đầu tháng 1-1950. Thời gian này, Bác đã hoàn thành cuốn sách Cần, Kiệm, Liêm, Chính và nhiều bài viết khác. Đặc biệt là bài thơ Đi thuyền trên sông Đáy, Bác viết nhân chuyến xuôi thuyền về huyện lỵ Sơn Dương thăm lớp học của cán bộ kháng chiến và viết bài báo Dân vận với bút danh X.Y.Z đăng trên Báo Sự Thật ngày 15-10-1949. Bài Báo có đoạn viết: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.
Ngày 09/11/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho giáo viên và học sinh lớp “Chuẩn bị tổng phản công” Trường Trung học Lục quân Trần Quốc Tuấn, nhắc nhở về cách thức và chương trình học tập để đạt kết quả tốt. Người viết: “Các cháu phải ra sức thi đua: Hun đúc đạo đức của người quân nhân cách mạng cho vững vàng…”
Bia di tích Khấu Lấu - Vực Hồ, thôn Bòng, xã Tân Trào (Sơn Dương).
Lần thứ ba, Bác ở từ tháng 4 đến tháng 9-1950, sau chuyến đi công tác dài ngày ở nước ngoài. Đánh giá về thắng lợi của chuyến đi, Bác nhận định đây là thắng lợi lớn nhất trong lịch sử Việt Nam. Việc Liên Xô và Trung Quốc cùng các nước dân chủ mới thừa nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã phá vỡ thế bao vây của chủ nghĩa đế quốc. Từ đây, cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam được tiếp thêm sức mạnh của cách mạng thế giới, từng bước chuyển sang giai đoạn phản công và tiến công…
Di tích Khấu Lấu – Vực Hồ đã được công nhận Di tích Quốc gia, thuộc quần thể Di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào, là địa chỉ đỏ để những cán bộ làm công tác dân vận trong cả nước về nguồn. Qua đó, giúp hiểu sâu sắc hơn sự ra đời và ý nghĩa tác phẩm Dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Gửi phản hồi
In bài viết