Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”: Bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam

- Cách đây 50 năm, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, quân và dân ta đã đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược, chủ yếu bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương trên miền Bắc.

Cùng với những kết quả to lớn trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972 trên chiến trường miền Nam, thắng lợi của Chiến dịch phòng không Hà Nội-Hải Phòng tháng 12 năm 1972 trên bầu trời miền Bắc là sự bất ngờ, nỗi kinh hoàng cho đế quốc Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn; cổ vũ, động viên nhân dân Việt Nam và làm nức lòng bạn bè quốc tế, đã góp phần tạo bước ngoặt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, buộc chính quyền Richard Nixon phải xuống thang chiến tranh, trở lại bàn đàm phán và ký Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Trận địa tên lửa SAM 2 trong Chiến dịch phòng không năm 1972.

Bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam được vun đắp trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước tiếp tục được phát huy mạnh mẽ trong thời đại Hồ Chí Minh, biểu hiện sinh động, cụ thể ở nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức và sử dụng lực lượng, tạo lập thế trận phòng không nhân dân thống nhất và cách đánh được chuẩn bị, tính toán từ trước, kết hợp với sự chuyển hóa linh hoạt trước các tình huống cụ thể, tập trung lực lượng tác chiến hiệp đồng, liên tục, kết hợp đánh mạnh tại chỗ với rộng khắp trên các địa bàn,... giành thắng lợi quyết định.

Thắng lợi của quân và dân ta trong Chiến dịch phòng không Hà Nội - Hải Phòng tháng 12 năm 1972 thể hiện tầm nhìn chiến lược nhạy bén, sâu rộng của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và các cơ quan tham mưu chiến lược. Trên cơ sở phân tích, đánh giá chính xác tình hình trong nước và quốc tế, nhận rõ bản chất đối tượng của cách mạng Việt Nam, tương quan so sánh lực lượng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hoạch định đường lối chính trị, quân sự đúng đắn, phù hợp với điều kiện của đất nước ở mỗi giai đoạn cách mạng. Qua đó, từng bước đánh bại các hình thức chiến thuật và các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ trên chiến trường Việt Nam ở cả hai miền Nam, Bắc.

Trước khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II (tháng 7/1954) đã nhận định: Đế quốc Mỹ là một trở lực chính ngăn cản việc lập lại hòa bình ở Đông Dương và “đang trở thành kẻ thù chính, trực tiếp của nhân dân Đông Dương”. Đầu năm 1965, trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 12 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những dự báo chính xác về âm mưu, thủ đoạn leo thang và mở rộng chiến tranh của đế quốc Mỹ. Người căn dặn: “Địch có thể bắn phá thành phố Hải Phòng, Hà Nội và mở rộng việc bắn phá ra nhiều nơi khác ở miền Bắc”. Đối với hậu phương miền Bắc, Đảng ta xác định: Trong khi đề cao khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến lớn miền Nam, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “tiếp tục xây dựng miền Bắc, kết hợp chặt chẽ xây dựng kinh tế và tăng cường quốc phòng, kiên quyết bảo vệ miền Bắc, đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại và phong tỏa bằng không quân và hải quân của địch, chuẩn bị sẵn sàng để đánh bại địch trong trường hợp chúng đưa cuộc chiến tranh phá hoại đến một trình độ ác liệt gấp bội, hoặc chuyển nó thành một cuộc “chiến tranh cục bộ” ở cả miền Nam lẫn miền Bắc”.

Tầm nhìn chiến lược của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh là tiền đề quan trọng, là điều kiện tiên quyết để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nói chung, quân và dân miền Bắc nói riêng chủ động, bình tĩnh xử lý và thực hiện thắng lợi các tình huống, giữ vững và tăng cường thế tiến công trước và trong cuộc đụng đầu lịch sử với không quân chiến lược Mỹ.

Trong đó, biểu hiện tập trung ở một số nội dung như: phân tích, đánh giá đúng tình hình; dự đoán chính xác âm mưu, thủ đoạn và các bước phiêu lưu quân sự của đế quốc Mỹ; tích cực, chủ động xây dựng và tổ chức lực lượng nòng cốt, triển khai đồng bộ các biện pháp động viên sự nỗ lực của toàn dân, tạo thế trận liên hoàn, vững chắc, giành và giữ quyền chủ động tác chiến; chủ động xây dựng phương án tác chiến, sẵn sàng đối phó với phương tiện tối tân nhất của đối phương; lựa chọn hình thức chiến thuật phù hợp; tổ chức sử dụng lực lượng hợp lý; sáng tạo nhiều cách đánh hay, đánh hiểm, tập trung tiêu diệt đối tượng chủ yếu, buộc đế quốc Mỹ phải chấm dứt cuộc tập kích; tinh thần chiến đấu kiên cường, mưu trí, dũng cảm, sự linh hoạt, sáng tạo của Bộ đội Phòng không - Không quân, của quân và dân miền Bắc, trực tiếp là quân và dân Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh, thành phố...

Mai Linh                                  

(Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân)           

Tin cùng dòng sự kiện