Biến chủng Omicron gây sốt cao cho trẻ dưới 5-6 tuổi: Bình tĩnh để xử lý đúng cách

Theo Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, 2 biến thể phụ của biến chủng Omicron gây bệnh Covid-19 tại thành phố Hồ Chí Minh đang song song tồn tại trên địa bàn là BA.1 và BA.2, dẫn tới số ca nhiễm tăng nhanh. Tuy nhiên, do người dân được tiêm đủ vắc xin phòng bệnh, nên số ca tăng nặng giảm. Ngành Y tế đưa ra khuyến cáo để người dân tham khảo khi xử lý, chăm sóc trẻ em bị mắc Covid-19.

Biến thể phụ BA.2 của biến chủng Omicron đã xuất hiện tại thành phố Hồ Chí Minh và khiến Covid-19 lây lan nhanh hơn.

Biến thể phụ BA.2 của biến chủng Omicron đã xuất hiện tại thành phố Hồ Chí Minh và khiến Covid-19 lây lan nhanh hơn.
Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng cho biết thành phố đã ghi nhận sự hiện diện của cả 2 biến thể BA.1 và BA.2 trên địa bàn. Đáng chú ý, BA.2 khiến bệnh Covid-19 lây lan nhanh hơn BA.1. Đây là một trong những nguyên nhân khiến số ca nhiễm mới Covid-19 tại thành phố Hồ Chí Minh có dấu hiệu tăng nhanh. Tuy nhiên, do được tiêm đủ vắc xin phòng Covid-19, nên số ca tăng nặng và nguy kịch không cao. “Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc tiêm vắc xin liều cơ bản và tăng cường cho người dân”, ông Tăng Chí Thượng nói.

Số liệu từ liên sở Giáo dục và Y tế thành phố Hồ Chí Minh về ca nhiễm Covid-19 trong trường học cũng thể hiện một khía cạnh khác của hiệu quả việc tiêm vắc xin. Cụ thể, tính trong tuần đầu tháng 3-2022, thành phố ghi nhận 37.500 ca nhiễm Covid-19 trong trường học, gấp đôi so với tuần trước đó. Số ca mắc tại khối tiểu học cao hơn các khối lớp khác, bởi các em học sinh dưới 12 tuổi chưa được tiêm vắc xin phòng Covid-19. Hiện ngành Giáo dục và Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã sẵn sàng tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho khoảng 970.000 trẻ từ 5-11 tuổi.

Các chuyên gia y tế cũng đưa ra những lời khuyên để các bậc phụ huynh tham khảo. Theo đó, nếu người lớn nhiễm Covid-19 với biến chủng Omicron thường bị đau rát họng thì trẻ em nhiễm biến chủng này thường sốt cao và co giật do sốt. Trẻ dưới 5-6 tuổi sốt cao thường khó hạ sốt và trẻ có tiền sử co giật do sốt, trẻ dưới 5 tuổi dễ khởi phát co giật. Sốt cao còn làm trẻ mệt lử, ăn kém, mất nước và khó đánh giá dấu hiệu lâm sàng.


Các bậc phụ huynh cần bình tĩnh xử lý tình huống khi trẻ sốt cao, dùng thuốc đúng cách.

Bác sĩ chuyên khoa Nhi Đỗ Tiến Sơn, Trưởng nhóm tư vấn khu vực - Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đã đưa ra một số vấn đề liên quan đến hạ sốt cho trẻ. Theo đó, việc hạ sốt phải được thực hiện đúng, nhằm giúp trẻ đỡ mệt, ăn uống tốt, không mất nước, nhanh hồi phục, giảm nguy cơ nhập viện. Dùng đúng phương pháp hạ sốt còn giúp trẻ giảm hại thận, gan và giúp cha mẹ cùng các bác sĩ đánh giá đúng hơn tình trạng của trẻ khi bị sốt (lơ mơ, li bì, mạch nhanh hoặc thở nhanh), từ đó có phác đồ điều trị hiệu quả hơn.

Theo bác sĩ Sơn, các bậc phụ huynh cần chuẩn bị một số loại thuốc hạ sốt sau tại nhà. Paracetamol có các tên thương mại phổ biến như Hapacol, Efferalgan, hàm lượng phổ biến là 80mg, 125mg, 250mg, 300mg và 500mg. Nên mua thuốc đạng đơn chất (chỉ có Paracetamol, không kèm các dược chất khác). Lưu ý dùng thuốc phù hợp cân nặng của bé. Các bậc phụ huynh nên mua sẵn cả thuốc dạng viên đạn đặt hậu môn và để sẵn vào ngăn mát tủ lạnh. Có thể cắt bớt thuốc viên đạn trước khi đặt để chuẩn liều. Mua đủ dùng cho 3 - 5 ngày.


Nếu trẻ sốt cao dẫn tới co giật, phụ huynh cần bình tĩnh xử lý và đưa trẻ đi viện.

Thuốc Buprofen có các tên thương mại phổ biến là Sotstop, Brufen, A.T. Ibuprofen… Thuốc này chỉ dùng khi trẻ sốt cao, khó hạ sốt. Các bậc phụ huynh không nên mua nhiều, chỉ cần có 1 lọ để dự phòng. Thuốc này nếu dùng quá liều sẽ gây hại thận. Khoảng cách giữa 2 lần uống thuốc là 6 giờ đồng hồ. Các bậc phụ huynh nhất thiết phải xin ý kiến bác sĩ trước khi cho trẻ dùng loại thuốc hạ sốt này. Nếu phải dùng xen kẽ nhau thì chỉ cần lưu ý khoảng thời gian giữa 2 lần dùng cùng một loại thuốc.

Nếu trẻ sốt cao, khó hạ sốt (trên 38,5 độ hoặc sốt 38 độ nhưng có dấu hiệu mệt, quấy hoặc trẻ có tiền sử co giật do sốt), các bậc phụ huynh cần cho trẻ uống hạ sốt Paracetamol, chườm ấm nách, bẹn (nếu trẻ không khó chịu khi lau nước). Sau 30 phút hoặc 1 giờ đồng hồ, nếu trẻ hạ sốt thì theo dõi tiếp. Nếu trẻ không hạ sốt, cần báo ngay bác sĩ. Nếu chưa gọi được, cho trẻ uống 1 liều Ibuprofen như chỉ dẫn nêu trên và theo dõi tiếp 60 phút. Nếu trẻ không hạ sốt, cần đưa sớm vào viện.

Nếu trẻ co giật, các bậc phụ huynh cần bình tĩnh đặt trẻ xuống giường hoặc sàn phẳng, tránh ngã, va đập vào đồ vật xung quanh. Không ghì giữ trẻ, không nhét tay, đũa, khăn vào miệng trẻ. Sau khi hết cơn, cho trẻ nằm nghiêng bên đề phòng nôn trớ. Nếu sờ thấy trẻ nóng hoặc hơi nóng, đút hậu môn 1 viên thuốc Efferalgan (đúng liều) ngay vì sẽ sốt tăng rất nhanh. Phải cho trẻ uống hoặc đặt thuốc hạ sốt trước khi tới viện. Nếu cơn co giật kéo dài, trẻ tím tái hoặc ngừng thở, cần hà hơi thổi ngạt ép tim ngay, đưa trẻ tới bệnh viện.

Theo Hà Nội mới

Tin cùng dòng sự kiện