Nông sản an toàn

- Những đồi chè, vườn cam, bưởi trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ không những mang lại thu nhập cao cho người dân mà còn tạo ra sản phẩm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng và đảm bảo môi trường. Người nông dân đang hướng đến nền sản xuất sạch, nâng “chất” cho nông sản xứ Tuyên.

Vườn trà Ngọc Thúy 8 ha của Hợp tác xã Dịch vụ chè Sử Anh, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) đã đạt tiêu chuẩn an toàn. Chỉ số tồn dư hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật luôn đạt ở mức không (mức an toàn tuyệt đối, đối với các sản phẩm nông nghiệp). Anh Nguyễn Công Sử, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, 5 năm nay, hợp tác xã đã chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ, nói không với hóa chất, không phân bón vô cơ, không thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất hóa học, không chất kích thích. Toàn bộ nguồn dinh dưỡng nuôi cây là phân chuồng hoai mục; sâu, bệnh hại cây được phòng trừ từ các loại cây dược liệu. Sản xuất hữu cơ mất công sức nhưng chất lượng trà Ngọc Thúy lại rất “đỉnh”, đạt đủ 4 yếu tố của trà thơm, đậm, được nước và an toàn. Anh Sử khoe, từ khi sản xuất trà hữu cơ, các hội quán, khách sạn trong và ngoài tỉnh đến đặt hàng bao tiêu sản phẩm. Phấn khởi nhất là tháng 8 vừa qua, một thương nhân người Mỹ đã tìm đến thỏa thuận để đưa sản phẩm xuất khẩu.  


Bưởi Phúc Ninh nằm trong Top 10 nhãn hiệu, thương hiệu nổi tiếng do
Hội Người tiêu dùng Việt Nam bình chọn. Ảnh: Cảnh Trực

Cam sành hữu cơ Hàm Yên đã “chiều lòng” được những khách hàng khó tính nhất, bởi chất lượng và độ an toàn. Sản phẩm cam Sành đang được chuỗi cửa hàng, siêu thị nông sản sạch Bác Tôm phân phối tại thị trường thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Vũng Tàu, Đà Nẵng và Hà Nội. Anh Hoàng Đức Hùng, trưởng liên nhóm sản xuất cam sành hữu cơ Hàm Yên bảo rằng, để có trái cam hữu cơ đạt chuẩn, người làm cam như anh kỳ công, tỷ mẩn và cẩn thận lắm. Từ mẫu đất, mẫu nước đều được gửi về Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam phân tích, xét nghiệm. Trưởng nhóm Hùng bảo, phân bón cho cam là đỗ tương, cá, chất thải chăn nuôi được trộn với men vi sinh ủ ải rồi mang lên vườn bón cho cây. Thuốc phòng, trừ sâu, bệnh hại cây, hại quả cam là từ tỏi, từ gừng và ớt trộn với rượu cao độ nên hoàn toàn yên tâm.  

Đồng chí Nguyễn Đại Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, sản xuất theo quy trình VietGAP, hữu cơ đang được bà con mở rộng trên tất cả các đối tượng cây trồng, vật nuôi. Hết năm 2020, toàn tỉnh đã có trên 1.000 ha bưởi, cam, chè; 2 giống vật nuôi là trâu và cá được sản xuất theo quy trình an toàn. Các sản phẩm được sản xuất theo quy trình đang tạo ra sức cạnh tranh riêng, “hút” người tiêu dùng. Khảo sát các cơ sở, sản phẩm sản xuất ra đến đâu đều được tiêu thụ hết đến đó, với giá trị kinh tế rất cao. Theo tính toán, chi phí cho 1 ha cây trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ cao hơn từ 1,15 đến 1,3 lần nhưng đổi lại giá trị cao gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần.

Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam Hà Phúc Mịch cho biết, một số sản phẩm nông nghiệp Tuyên Quang đã khẳng định được vị thế trên thị trường trong nước và quốc tế. Trong đó, cam sành Tuyên Quang đã 2 lần được bình chọn Top 10 loại trái cây nổi tiếng bậc nhất Việt Nam; bưởi Phúc Ninh cũng nằm trong Top 10 nhãn hiệu, thương hiệu nổi tiếng do Hội Người tiêu dùng Việt Nam bình chọn; cá Na Hang được Bộ Nông nghiệp đưa vào danh sách “Địa chỉ xanh, nông nghiệp sạch”… Điều này cho thấy, môi trường sản xuất nông nghiệp tại Tuyên Quang đảm bảo các điều kiện để sản xuất theo quy trình an toàn. Vấn đề hiện nay là người nông dân thay đổi tư duy, phương thức sản xuất không ngừng nâng “tầm” cho sản phẩm nông nghiệp xứ Tuyên, từ đó mang lại hiệu quả kinh tế cao và hơn hết là bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và của cả cộng đồng.

Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục