Trồng rừng về đích sớm

- Tính đến ngày 15-7, toàn tỉnh đã trồng được 10.365,8 ha rừng, đạt 100,2% kế hoạch, trong đó rừng tập trung 9.903,4 ha, rừng phân tán 462,4 ha. Đây là năm tỉnh hoàn hành kế hoạch trồng rừng sớm nhất so với khung thời vụ. Thành phố Tuyên Quang, huyện Sơn Dương, Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình đều đạt trên 100% kế hoạch.

Huyện Chiêm Hóa dẫn đầu về kế hoạch trồng rừng, đến ngày 15-7, toàn huyện đã trồng được 1.917,7 ha, đạt 116,2% kế hoạch. Ông Ma Phúc Khứu, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chiêm Hóa phấn khởi cho biết, đây là năm đầu tiên huyện cán đích trồng rừng sớm nhất. Tại các xã Kim Bình, Tri Phú, Linh Phú... trước đây bà con chỉ tập trung trồng chuối, 2 năm nay bà con đã chuyển hướng trồng rừng.

Ông Ma Văn Sơn, thôn Nà Lại, xã Tri Phú (Chiêm Hóa) cho biết, giá chuối giảm sâu, khó xuất khẩu, hơn nữa một số diện tích chuối đồi đã bị thoái hóa nên ông phế bỏ để trồng rừng. Trước khi trồng rừng, ông Sơn được cán bộ kiểm lâm hướng dẫn kỹ thuật, đôn đốc phát dọn thực bì, cuốc hố, nghiệm thu sơ bộ hiện trường trồng rừng. Tháng 5 vừa qua, gia đình ông đã trồng xong hơn 1 ha rừng bằng giống keo hạt. Cây keo non đang sinh trưởng, phát triển tốt.

Cán bộ kỹ thuật Công ty Lâm nghiệp Tuyên Bình (Yên Sơn) kiểm tra diện tích rừng mới trồng hồi tháng 4.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chiêm Hóa, để đảm bảo nguồn giống phục vụ nhu cầu trồng rừng của bà con, ngay từ cuối năm 2020 huyện đã yêu cầu các cơ sở sản xuất giống tập trung sản xuất cây giống đủ cả về số lượng, chất lượng sẵn sàng phục vụ nhu cầu trồng rừng của người dân ngay từ vụ xuân.

Tại xã Kiến Thiết, Trung Trực (Yên Sơn), những diện tích rừng vừa khai thác, đồi trồng dong riềng, trồng chuối trước đây năm nay bà con cũng được phủ xanh bằng màu của keo non, bạch đàn. Ông Lê Thế Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Kiến Thiết phấn khởi cho biết, đến giữa tháng 5, xã đã trồng xong 186 ha rừng, đạt 105% kế hoạch. Một thành công ngoài mong đợi bởi sau nhiều năm xã không hoàn thành mục tiêu trồng rừng đề ra. Theo ông Hưng, những diện tích đất lâm nghiệp bị xâm lấn trồng chuối, dong riềng trước đây giờ đã được bà con trả lại đúng mục đích. Xã đang đôn đốc bà con thăm rừng thường xuyên, thực hiện phát quang cỏ dại, làm hàng rào ngăn chặn gia súc vào khu vực rừng mới trồng, dặm lại ngay những cây bị nhiễm sâu, bệnh hại, còi cọc để nâng tỷ lệ thành rừng.

Ông Triệu Đăng Khoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, điểm mới trong công tác trồng rừng là việc chuyển đổi thời vụ trồng rừng, thay vì dàn trải trồng rừng từ vụ xuân đến vụ thu, năm nay các hộ gia đình, chủ rừng tập trung trồng rừng chủ yếu vào vụ xuân. Trồng rừng vào vụ xuân điều kiện thời tiết thuận lợi nhất, cây bén rễ, hồi xanh nhanh giảm thiểu được tổn thất do tác động của nắng nóng trong khoảng tháng 6-7. Kết quả kiểm tra qua 3 đợt nắng nóng hồi cuối tháng 5 đến giữa tháng 6, không có diện tích rừng non nào bị thiệt hại, tỷ lệ cây sống tại các lô mới trồng đạt trên 90%. Điều này cũng cho thấy sự chủ động của các hộ gia đình, chủ rừng trong việc chuẩn bị các điều kiện đất, giống, nhân lực để thực hiện trồng rừng.

Thực hiện chương trình hỗ trợ giống cây lâm nghiệp chất lượng cao theo Nghị quyết 03/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ giống cây lâm nghiệp chất lượng cao, năm nay cây giống cũng được cung ứng đủ cho các địa phương có nhu cầu ngay trong tháng 4 và tháng 5. Một nguyên nhân khác góp phần hoàn thành mục tiêu trồng rừng là các cơ sở, nhà máy chế biến gỗ rừng trồng tăng công suất chế biến, giá thu mua gỗ nguyên liệu ổn định, diện tích rừng đến chu kỳ được khai thác. Khai thác đến đâu các hộ gia đình, chủ rừng trồng lại ngay đến đó.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Triệu Đăng Khoa nhấn mạnh, phong trào trồng 1 tỷ cây xanh theo Đề án của Thủ tướng Chính phủ được thực hiện hiệu quả ở nhiều địa phương cũng là chất xúc tác hoàn thành mục tiêu trồng mới 10.350 ha rừng trong khung thời vụ tốt nhất.          

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục