Người Dao gìn giữ di sản

- Là dân tộc chiếm số đông trong 22 dân tộc anh em trong tỉnh, cộng đồng người Dao đã có 3 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Lễ cấp sắc, hát Páo dung, Nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao đỏ. Vinh dự và tự hào, cộng đồng người Dao trong tỉnh luôn có ý thức gìn giữ, bảo tồn báu vật của cha ông.

Phụ nữ Dao đỏ xã Phúc Sơn (Lâm Bình) duyên dáng tham quan hang Thẳm Nặm.

Ông Trương Xuân Hào, thôn Cổ Yểng, xã Thanh Tương (Na Hang) cho biết: Năm nay ông đã ngoài 60 tuổi nhưng mới làm lễ cấp sắc được vài năm nay. Làm xong nghi lễ này, ông mới cảm thấy nhẹ lòng. Bởi với người đàn ông người dân tộc Dao, lễ cấp sắc là nghi lễ quan trọng trong cuộc đời, nó khẳng định sự trưởng thành của một người đàn ông. Khi được cấp sắc mới có thể dạy chữ, dạy cúng, làm nghề thầy cúng (người Dao coi trong dạy học, làm thầy cúng, thầy thuốc).

Hiện nay, Lễ cấp sắc vừa là công việc riêng của gia đình, vừa là sinh hoạt riêng mang tính cộng đồng được duy trì trong dòng họ, bản làng của người Dao. Trong không gian lễ cấp sắc, người được cấp sắc ngoài việc được cấp sắc, lệnh, binh mã... còn được nghe điều răn dạy đã được linh thiêng hóa và trở thành những giá trị, chuẩn mực đạo đức mà con người phải gìn giữ. Các nội dung tựu trung lại là sự kính trọng tổ tiên, thần thánh, biết ơn cha mẹ, thủy chung với bạn bè, sống chân thành, có lòng dũng cảm, biết trọng nghĩa khí...

Phụ nữ thôn 1 Minh Tiến, Minh Hương (Hàm Yên) thường xuyên luyện hát Páo dung.

Cùng với Lễ cấp sắc, di sản Páo dung và Nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống cũng được đồng bào gìn giữ, bảo tồn và phát triển. Chị Lý Thị Mai, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Nà Lạ, xã Sơn Phú (Na Hang) cho biết, đồng bào Dao đỏ ở đây đều có ý thức gìn giữ trang phục, tiếng nói và hát Páo dung. Hiện nay chị em phụ nữ thôn tranh thủ lúc rảnh rỗi lại cùng nhau luyện tập văn nghệ ở nhà văn hóa thôn. Đối với hát Páo dung, chị em đều mời các cụ cao tuổi truyền dạy và tham khảo thêm ở các câu lạc bộ gìn giữ bản sắc văn hóa Dao ở các địa phương trong tỉnh qua các buổi giao lưu. Việc gìn giữ nghề thêu trang phục được thực hiện trong từng nếp nhà. Người già truyền cho người trẻ. Đến nay, hầu hết phụ nữ Dao đỏ ở Nà Lạ đều biết thêu và tự tay hoàn thiện bộ trang phục truyền thống cho mình.

Cách gìn giữ di sản cũng được thực hiện hiệu quả ở nhiều nơi có đồng bào Dao sinh sống. Ở Phúc Sơn (Lâm Bình), chị em phụ nữ người Dao đã làm trang phục truyền thống đem giới thiệu, bày bán ở chợ phiên của xã và một số chợ phiên trong tỉnh. Các chị còn làm theo đơn đặt hàng (chiếc khăn, cái quần, quả bông len) để phục vụ nhu cầu đa dạng của khách hàng. Còn ở Hoàng Khai (Yên Sơn), cứ vào dịp lễ, tết là chị em phụ nữ Dao đỏ thôn Tân Quang lại tập trung để hát Páo dung. Họ mặc bộ trang phục dân tộc Dao đỏ đẹp nhất, mới nhất để tới ngày hội. Ai có bộ trang phục đẹp cho thấy sự tinh tế, khéo léo của họ trong từng đường thêu.

Yêu trang phục truyền thống, tự hào với di sản của cha ông, đồng bào Dao ở các địa phương trong tỉnh đã và đang từng ngày làm phong phú thêm bản sắc văn hóa Dao.

Bài, ảnh: Hoàng Anh

Tin cùng chuyên mục