Trong chế biến món ăn, đồng bào Tày thường thêm vị đắng từ các loại rau rừng để tạo cảm giác ngon miệng.
Chị Lý Thị Loan, xã Vinh Quang (Chiêm Hóa) cho biết, mỗi khi có việc quan trọng, gia đình chị thường mổ con gà, con lợn. Bữa cơm đoàn kết hôm ấy ngoài những món ăn truyền thống như thịt lợn hấp, nướng, nộm, gà luộc... thì món ăn không thể thiếu là canh đắng. Cách chế biến canh lá đắng rất đơn giản. Lòng gà (hoặc lòng lợn) thái nhỏ, tẩm ướp gia vị như mẻ, mắm tôm, sả, tiêu, ớt chừng mười lăm phút. Bắc nồi lên bếp củi, cho hành tỏi vào phi thơm và đảo nhanh tay hỗn hợp trên cho ngấm gia vị, chừng vài phút sau đổ vào thêm vài bát nước. Nồi canh sôi lên thì cho lá đắng đã rửa sạch và thái chỉ vào, chờ cho sôi lại chừng ba phút thì bắc ra dùng. Tùy khả năng ăn đắng của từng người thì thêm hoặc bớt lá đắng phù hợp. Canh đắng không những thơm ngon, bổ dưỡng mà còn tạo cảm giác ngon miệng cho cả bữa ăn, khiến chúng ta đỡ ngán khi ăn thịt mỡ.
Hoa kè được đồng bào Tày chế biến thành nhiều món ăn có vị đắng đặc trưng.
Cùng với canh lá đắng thì đồng bào Tày còn chế biến nhiều món ngon có vị đắng đặc trưng từ rau rừng như hoa kè, quả cà rừng... Trong đó, món hoa kè được chế biến khá đặc biệt. Có dịp dự đám cưới của một gia đình người Tày ở Chiêm Hóa, chúng tôi khá tò mò với món đùi gà làm từ hoa kè. Người dân ở đây cho biết, hoa kè có hình như một chiếc chuông nhỏ. Sau khi được bỏ nhụy, rửa sạch họ nhồi đầy thịt vào sát cuống hoa rồi khéo léo phủ kín lại bằng chính những cánh hoa to ở phần trên. Lúc này trông chúng giống hệt những chiếc đùi gà. Khi ăn đùi gà hoa kè người ta cảm nhận được vị thanh mát, ngọt dịu sau vị đắng lúc ban đầu. Ngoài món đùi gà, hoa kè còn được dùng để nấu canh, xào thịt... cũng rất hấp dẫn.
Ngoài ra người Tày cũng rất ưa vị đắng từ măng vầu, mướp đắng, quả núc nác, hoa đu đủ.. Điều đặc biệt là các món đắng trong ẩm thực của người Tày đều mang hương vị của núi rừng. Điều này làm nên phong vị ẩm thực riêng có không lẫn bất cứ nơi đâu của đồng bào Tày xứ Tuyên.
Gửi phản hồi
In bài viết