Giám đốc của nông dân

- Nhiều người dân gọi ông với cái tên thân mật “giám đốc của nông dân”, không chỉ bởi Hợp tác xã của ông chuyên kinh doanh về lĩnh vực nông nghiệp mà còn vì dáng vẻ bề ngoài chân chất của ông. Đó là ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Hợp tác xã Giống gia cầm Minh Tâm, thôn Tân Thắng, xã Tú Thịnh (Sơn Dương).

Làm giàu từ gà

7 giờ sáng, khoác trên mình chiếc áo kaki đã sờn, ông Phúc cùng công nhân bốc cám vào kho hàng. Ông nói vui: Đấy chỉ như một bài tập thể dục buổi sáng, sức của ông còn có thể vác nhiều hơn thế. Nếu gặp ông lần đầu trong hoàn cảnh ấy, tôi cũng không dám nghĩ ông là giám đốc của một hợp tác xã. Sau khi xong việc, ông dẫn tôi tham quan trang trại gà. Ông Phúc tâm sự: Năm 1991, sau một lần được tham quan mô hình nuôi gà ở thành phố Tuyên Quang, tận mắt thấy các mô hình nuôi gà thành công khiến ông... say luôn và bắt tay vào đầu tư nuôi gà.


Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Hợp tác xã Giống gia cầm Minh Tâm kiểm tra
tình trạng sức khỏe của đàn gà.

Từ 500 con gà ban đầu, đến nay, ông đã có tổng đàn trên 4.000 con. Từ năm 2018, gia đình đầu tư xây dựng chuồng trại theo mô hình chuồng khép kín có máng ăn uống tự động, quạt thông khí, hệ thống đệm lót nền chuồng nên đàn gà của gia đình phát triển rất tốt, ít bệnh, sản lượng thịt đạt từ 2,7 - 3 kg. Từ chăn nuôi gà gia đình thu lãi hơn 600 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động với mức thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng. Sau khi có cơ hội được tham quan trại nuôi gà ở thành phố Tuyên Quang, sau đó ông có dịp đến mô hình nuôi gà ở các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ để học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi, ông nhận thấy tiềm năng chăn nuôi gà là rất lớn đối với người nông dân. Thời gian ấy, ông đã vay mượn anh em bạn bè 100 triệu đồng đầu tư nuôi gà. Ông kể.

- Những ngày đầu nuôi gà, khó khăn nhất là gì ạ, tôi hỏi.

- Nhiều khó khăn lắm! Thứ nhất là không có kinh nghiệm, kỹ thuật nhiều nên năm đầu tiên đàn gà 500 con của tôi chết gần hết. Thứ hai là chưa có đầu ra, nhiều lứa gà đến tuổi xuất bán không có người mua nên phải bán tháo với giá rẻ.

Thế rồi, ông nhận thấy bà con trong xã cũng có nhiều hộ nuôi nhiều gà nhưng lại khó tiêu thụ. Năm 2017, ông cùng bà con thành lập Hợp tác xã Giống gia cầm Minh Tâm với 11 thành viên, tổng số vốn góp ban đầu 400 triệu đồng, Hợp tác xã chuyên sản xuất và cung ứng giống gia cầm cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn trong và ngoài tỉnh. Hợp tác xã còn ký hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm với Hợp tác xã Nông nghiệp Thành Phát - Đắk Lăk bao tiêu sản phẩm giống gia cầm cho các thành viên; đối với số trứng không đủ điều kiện ấp nở, hợp tác xã ký hợp đồng liên kết với Hợp tác xã Sáng Nhung để tiêu thụ. Chính điều này đã mở ra cơ hội cho ông và những người nông dân khác trong việc chuyển hướng sang nuôi gà để tăng thu, vươn lên thoát nghèo. Ban đầu hợp tác xã có 2 hộ nghèo là thành viên, sau 1 năm tham gia chăn nuôi gia cầm đã thoát nghèo.

Theo chân Giám đốc Phúc đến tham quan mô hình nuôi gà của anh Đoàn Văn Nghĩa, thôn Gò Hu, xã Vĩnh Lợi (Sơn Dương) - thành viên đã thoát nghèo nhờ tham gia Hợp tác xã Giống gia cầm Minh Tâm. Anh Nghĩa cho biết, gia đình anh nuôi gà từ năm 2014, nhưng do chưa có kinh nghiệm chăn nuôi nên gà thường mắc bệnh, sản phẩm đầu ra cũng khó tiêu thụ. Đến năm 2017, anh Nghĩa tham gia Hợp tác xã Giống gia cầm Minh Tâm, được ông Phúc giúp đỡ, tư vấn về chuồng trại, con giống, kiểm tra về bệnh tật nên đàn gà sinh sản 1.000 con phát triển rất tốt. Đồng thời, sản phẩm trứng gà của gia đình anh cũng được hợp tác xã bao tiêu sản phẩm với giá 5.000 đồng/quả. Trung bình một tháng, từ bán trứng anh Nghĩa thu lãi 25 triệu đồng. 

Song hành cùng nông dân

Không chỉ thành công ở lĩnh vực chăn nuôi, ông Phúc còn tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân trong lĩnh vực trồng trọt. Hợp tác xã đã tính toán hiệu quả kinh tế giữa trồng dưa chuột với trồng lúa trên cùng 1 đơn vị diện tích tại địa phương. Sau khi so sánh hiệu quả trồng lúa chỉ có lợi nhuận 1 triệu đồng/sào/vụ còn dưa chuột có lợi nhuận 5,5 triệu đồng/sào/vụ. Hiện nay, tổng diện tích trồng dưa chuột trên địa bàn huyện Sơn Dương là hơn 45 ha, hiện đang cho thu hoạch ổn định. HTX đang mở rộng diện tích trồng thử nghiệm 10 ha trên địa bàn các huyện Na Hang, Chiêm Hóa, Yên Sơn. Năng suất bình quân đạt 54 tấn/ha/vụ. Năm 2020, doanh thu từ trồng dưa chuột của HTX đạt gần 17 tỷ đồng.


Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Hợp tác xã Giống gia cầm Minh Tâm kiểm tra
sâu bệnh hại dưa chuột của nông dân.

Hợp tác xã đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm dưa chuột cho nông dân với Hợp tác xã Dịch vụ An Hòa, huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc) theo giá thị trường. Xuất phát từ nhu cầu mở rộng vùng nguyên liệu hợp tác xã đã kết nạp thêm 27 thành viên mới nâng tổng số thành viên lên 38 với tổng số vốn góp 670 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho trên 100 lao động.

Anh Trần Văn Đạt, thôn Khe Thuyền, xã Văn Phú (Sơn Dương) cho biết, từ năm 2012, gia đình trồng 6 sào dưa chuột, đạt 2 tấn/sào. Tuy nhiên, do không có thị trường tiêu thụ nên sản phẩm của gia đình chỉ bán lẻ tại các chợ, nhiều vụ dưa được mùa nhưng lại mất giá. Từ khi có Hợp tác xã Giống gia cầm Minh Tâm liên kết với người dân bao tiêu sản phẩm hiệu quả, cuối năm 2019, anh Đạt liên kết với hợp tác xã trồng 1 ha dưa. Chỉ sau 40 ngày chăm sóc, 1 ha dưa cho thu hoạch 52 tấn. Vụ đầu tiên do phải mất nhiều chi phí mua vật tư làm giàn nên với giá bán 5.000 đồng/kg gia đình thu lãi 100 triệu đồng/vụ (3 tháng). Năm nay anh Đạt trồng mới 2 ha, ước sản lượng sẽ đạt 54 tấn/ha.

Có được thành công như ngày hôm nay, Giám đốc Trần Văn Phúc bày tỏ quan điểm, luôn đặt vị trí của mình vào người nông dân; luôn gắn bó, trung thành và có trách nhiệm với nông dân thì người nông dân sẽ có trách nhiệm và gắn bó với mình. Nếu hợp tác xã chỉ nghĩ về lợi nhuận không song hành cùng người dân phát triển thì sẽ không bao giờ thành công được. Nâng cao thu nhập cho những người nuôi gà, trồng dưa chuột chính là nâng cao thu nhập cho chính hợp tác xã của mình.

Phóng sự: Lý Thu

Tin cùng chuyên mục