Châu Á tăng cường phòng dịch Covid-19 trước mùa lễ hội

Tính đến 6h ngày 9-9, thế giới đã có 223.257.918 ca mắc Covid-19, 4.607.786 trường hợp tử vong. Nhiều nước châu Á tăng cường biện pháp phòng dịch trước mùa lễ hội.


Dịch vụ xe buýt tham gia chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho người cao tuổi và nhóm người
dễ bị tổn thương tại Bangkok (Thái Lan).

Châu Á

Để ngăn ngừa nguy cơ dịch bệnh lây lan trong dịp Tết Trung thu, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định gia hạn áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội cấp độ 4 ở khu vực Seoul, vùng phụ cận và cấp độ 3 ở các khu vực khác thêm 4 tuần cho đến hết ngày 3-10.

Chính phủ Hàn Quốc cũng khuyến cáo người dân hạn chế di chuyển, như về thăm quê hoặc gia đình, trong dịp nghỉ Tết Trung thu. Vé tàu hỏa cũng sẽ chỉ được bán hạn chế, ở mức 50% tổng số ghế/toa, và sẽ ưu tiên những chỗ ngồi gần cửa sổ. Hành khách được khuyến cáo chỉ nên đặt mua vé cho những chỗ ngồi cạnh cửa sổ trên xe khách và xe buýt liên tỉnh.

Trong khi đó, Nhật Bản tuyên bố gia hạn tình trạng khẩn cấp do dịch Covid-19 tại 19 tỉnh đến ngày 30-9. Lệnh này vốn đang được áp đặt tại 21/47 tỉnh tới ngày 12-9.

Tại Ấn Độ, chính quyền các bang sẽ tăng cường biện pháp phòng dịch trước thềm các lễ hội tôn giáo lớn, đồng thời cảnh báo, thành phố Mumbai - thủ phủ tài chính của nước này - đang có nguy cơ đối mặt với một làn sóng dịch Covid-19 mới. Thị trưởng Mumbai, Kishori Pednekar khẳng định, làn sóng dịch thứ 3 "đã hiện hữu".

Thủ hiến bang Maharashtra, ông Uddhav Thackeray cho rằng, ưu tiên hàng đầu hiện nay là bảo vệ sức khỏe và an toàn của người dân. Tuyên bố của ông Thackeray được đưa ra trước thềm lễ hội Hindu Ganesh Chaturthi kéo dài 11 ngày, bắt đầu từ ngày 10-9.

Tại bang miền Nam Tamil Nadu, các nhà chức trách đã cấm việc tổ chức các lễ hội tại nơi công cộng. Còn bang Tây Bengal sẽ siết chặt biện pháp chống dịch trong thời gian diễn ra lễ hội Durga Puja kéo dài 9 ngày, dự kiến vào tháng 10. Giới chức bang Karnataka cũng sẽ duy trì lệnh giới nghiêm ban đêm và đồng thời cấm tổ chức lễ hội Ganesh tại những khu vực có tỷ lệ dương tính cao.

Trong 24 giờ qua, Campuchia ghi nhận số ca mắc mới Covid-19 ở mức cao nhất kể từ ngày 14-8 với gần 596 ca, trong khi số ca đang phải điều trị tiếp tục tăng ngày thứ 11 liên tiếp, gây áp lực cho hệ thống y tế.

Báo Khmer Times dẫn lời đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Campuchia cho rằng, an toàn là yếu tố sống còn khi mở cửa lại trường học. Theo WHO, việc mở cửa từng bước trường học cũng như hoạt động kinh doanh đều có rủi ro. Tuy nhiên, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh đang được kiểm soát theo từng địa phương.

Chính quyền thủ đô Bangkok của Thái Lan đã triển khai thí điểm chương trình huy động dịch vụ xe buýt tham gia chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho người cao tuổi và nhóm người dễ bị tổn thương tại thủ đô.

Thống đốc Bangkok Aswin Kwanmuang cho biết, các đội tiêm chủng lưu động sẽ di chuyển bằng xe buýt để có thể dễ dàng len lỏi đến từng địa điểm trong thành phố và tiêm vắc xin cho mọi người dân nội đô. Chiến dịch tiêm chủng lưu động này sẽ cho phép mỗi ngày có khoảng 1.000 người dân nội đô được tiêm vắc xin. Theo ông Kwanmuang, số lượng nhân viên phục vụ trên một chiếc xe buýt tiêm chủng này là 6 người gồm: Tài xế, 3 nhân viên y tế phụ trách tiêm và 2 nhân viên phụ trách khâu thủ tục.

Châu Âu

Bộ Y tế Slovakia thông báo, chính phủ nước này đã cho phép tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho tất cả trẻ em từ 5 đến 11 tuổi. Chương trình sẽ được triển khai kể từ ngày 9-9.

Bộ trưởng Y tế Slovakia Vladimír Lengvarský nhấn mạnh, chương trình vắc xin ngừa Covid-19 dành cho trẻ em trong độ tuổi nêu trên là hoàn toàn tự nguyện. Các liều vắc xin được sử dụng cho trẻ em sẽ được quản lý dựa trên yêu cầu của các bậc cha mẹ và có sự nhất trí của bác sĩ riêng của các em. Theo đó, mỗi em nhỏ trong độ tuổi theo chương trình này sẽ được tiêm 1/3 liều vắc xin Pfizer/BioNTech và bác sĩ riêng của các em sẽ giám sát liều lượng này.

Quyết định tiêm vắc xin cho trẻ dưới 12 tuổi được đưa ra dựa trên yêu cầu của các chuyên gia và các bác sĩ nhi khoa. Điều này sẽ giúp bảo vệ các nhóm trẻ đang trong độ tuổi tới trường nhưng chưa được tiêm vắc xin, đặc biệt là những em nhạy cảm sẽ có nguy cơ gặp những vấn đề về sức khỏe nếu tiếp xúc với những người mắc Covid-19.

Trong khi đó, Bộ Y tế Ireland thông báo, nước này sẽ tiêm mũi tăng cường vắc xin phòng Covid-19 cho những người cao tuổi đã được tiêm chủng đầy đủ ít nhất 6 tháng.

Theo thông báo của Bộ Y tế Ireland, nhóm người trên 80 tuổi và những người trên 65 tuổi sống trong các cơ sở chăm sóc nội trú dài hạn sẽ được tiêm mũi tăng cường vắc xin phòng Covid-19 của hãng Pfizer hoặc Moderna, bất kể ban đầu họ đã được tiêm loại vắc xin nào.

Châu Mỹ

Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) khuyến nghị, các quốc gia châu Mỹ nên ưu tiên việc tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho phụ nữ mang thai và cho con bú nhằm bảo vệ bà mẹ và thai nhi khỏi dịch bệnh và nguy cơ tử vong.

Giám đốc PAHO, bà Carissa Etienne cảnh báo, mặc dù một số nước trong khu vực đã tiêm phòng cho phụ nữ mang thai, song chưa tới một nửa số quốc gia ở Mỹ Latinh và Caribe đưa ra hướng dẫn tiêm chủng cho các đối tượng dân số này.

Bà Etienne nhấn mạnh, phụ nữ mang thai là đối tượng có nguy cơ phát triển bệnh nặng hơn nếu mắc Covid-19, dẫn tới khả năng sinh non cao, thậm chí sảy thai. Các loại vắc xin ngừa Covid-19 đã được WHO phê duyệt là an toàn trong thời kỳ mang thai và cho con bú.

Giám đốc PAHO dẫn số liệu của tổ chức này cho biết, cho đến nay, hơn 270.000 phụ nữ mang thai mắc Covid-19 tại châu Mỹ, trong đó khoảng 2.600 (khoảng 1%) trường hợp tử vong. Bà Etienne cảnh báo nguy cơ đặc biệt cao ở Mexico, Argentina và Brazil, những quốc gia chiếm 50% số ca tử vong do Covid-19 ở phụ nữ mang thai trong khu vực.

Ngoài ra, tại Mexico và Colombia, Covid-19 đã trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho thai phụ trong năm nay. Người đứng đầu PAHO qua đó cũng cảnh báo về sự gián đoạn trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong đại dịch, vốn đang đe dọa xóa bỏ 20 năm thành quả về giảm tỷ lệ tử vong ở sản phụ trong khu vực. 

Liên quan đến vấn đề tiêm chủng trong khu vực, Giám đốc PAHO cảnh báo, sự bất bình đẳng trong phân phối vắc xin vẫn đang là vấn đề "không thể chấp nhận được" khi mới chỉ có 28% số dân ở khu vực Mỹ Latinh và Caribe được chủng ngừa đầy đủ.

PAHO đang kêu gọi các khoản quyên góp vắc xin từ các quốc gia có số lượng dư thừa để hỗ trợ người dân khu vực, điển hình tại những nước có tỷ lệ được tiêm phòng rất thấp như Guatemala và Nicaragua (dưới 10%), Venezuela (11%) và đặc biệt là quốc gia nghèo đói Haiti (1%).

Theo Hà Nội mới

Tin cùng chuyên mục