Bà Lê Bích Thuỷ, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn 3 cho biết, năm 2019, thôn Hợp Thành và Đồng Lem sáp nhập, với nhiều đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Trong đó, tỷ lệ đồng bào dân tộc Cao Lan chiếm phần lớn. Trước đây, bà con cũng có duy trì hoạt động văn hoá, văn nghệ nhưng chưa bài bản và nề nếp. Vì vậy, bà đã tham mưu chi bộ lãnh đạo các đoàn thể thôn phối hợp thành lập Đội văn nghệ của thôn.
Các thành viên Đội văn nghệ thôn 3, xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang) tham gia Lễ hội Đình Song Lĩnh.
Đội được thành lập đã thu hút 25 thành viên nam, nữ tham gia, trong đó có hội viên các đoàn thể như chi hội phụ nữ, thanh niên, cựu chiến binh. Bà Hoàng Thị Du, Đội trưởng Đội văn nghệ thôn chia sẻ, đội duy trì tập luyện thường xuyên 2 buổi/tháng. Trong đó, tập luyện các bài múa truyền thống của đồng bào Cao Lan như: múa chim gâu, cầu mùa, tra hạt… Đồng thời, sáng tác lời mới cho điệu Sình ca với nội dung ca ngợi quê hương đổi mới, các phong trào thi đua ở địa phương…
Hoạt động của đội văn nghệ đã ngày càng thu hút được người trẻ tham gia. Chị Hà Thị Nhung, một thành viên trẻ trong Đội văn nghệ thôn 3 nói, chị là người dân tộc Mường về làm dâu tại thôn. Được mọi người vận động, chị đã tham gia đội văn nghệ, mặc dù không biết hát Sình ca, nhưng chị đã học được các điệu múa truyền thống của dân tộc Cao Lan. Chị thấy rất vui và tự hào, vì mỗi dân tộc có những nét văn hoá đặc sắc riêng. Chị làm công nhân cho công ty may, công việc tuy bận rộn nhưng 2 năm qua chị ít khi nghỉ tập văn nghệ. Các buổi đội đi biểu diễn, giao lưu trong và ngoài xã chị đều tham gia đầy đủ cùng mọi người.
Không chỉ biểu diễn phục vụ bà con trong thôn, Đội văn nghệ còn thường xuyên tham gia phục vụ các sự kiện chính trị của xã, thành phố Tuyên Quang. Đặc biệt là trong các dịp lễ hội như: Lễ hội Đình Song Lĩnh của xã, Lễ hội Thành Tuyên…
Bên cạnh đó, các thành viên trong đội còn tuyên truyền, vận động người thân và nhân dân giữ gìn tiếng nói, trang phục truyền thống, các phong tục tốt đẹp của đồng bào Cao Lan. Những dịp lễ Tết, bà con thường làm các loại bánh truyền thống như bánh gai, bánh mật, nấu xôi ngũ sắc, xôi đen và làm bún. Đặc biệt, vào dịp Tết, người Cao Lan thường mua giấy đỏ về dán bàn thờ, quanh nhà; thu gọn công cụ lao động như cuốc, xẻng, liềm… rồi dán giấy đỏ lên, thắp hương với suy nghĩ Tết cũng là dịp để các công cụ lao động được nghỉ ngơi sau một năm làm việc vất, mong sang năm mới sẽ phục vụ lao động sản xuất cho gia chủ hiệu quả hơn.
Với sự tâm huyết, nhiệt tình, các thành viên Đội văn nghệ thôn 3, xã Lưỡng Vượng đã và đang tích cực giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc Cao Lan ở địa phương, góp phần đẩy mạnh phong trào văn hoá, văn nghệ trên địa bàn thành phố Tuyên Quang.
Gửi phản hồi
In bài viết