Đẩy mạnh các hoạt động nghệ thuật biểu diễn
Ngày 1-8, chương trình đầu tiên trong chuỗi chương trình giao lưu nghệ thuật trực tuyến với chủ đề “San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch” đã được thực hiện với tên gọi “Cháy lên” tại 5 điểm cầu: Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam, Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam. Chương trình nhằm tiếp sức cho tuyến đầu chống dịch Covid-19, góp thêm “món ăn tinh thần” cho khán giả trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. “Cháy lên” được thực hiện theo hình thức livestream, không chỉ gồm các tiết mục nghệ thuật mà còn là nơi để khán giả tương tác với nghệ sĩ, cùng chia sẻ tâm tư cũng như mong muốn chung tay chống dịch.
Tiếp theo chương trình này, theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), dự kiến sẽ có 10 chương trình nghệ thuật trực tuyến với quy mô tương tự được tổ chức. Đồng thời, sẽ có 24 chương trình nghệ thuật, vở diễn là những tác phẩm xuất sắc của các đơn vị nghệ thuật sẽ được liên tục phát sóng trên các kênh truyền hình.
Chị Nguyễn Tường Vân, Giám đốc Dự án giáo dục Ping cho rằng: “Những chương trình chính thống có chất lượng cao được phát trực tiếp trên các nền tảng khác nhau sẽ dễ dàng tiếp cận với nhiều đối tượng khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ. Có thể ngày hôm nay chúng ta còn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khi phải giãn cách, nhưng những cống hiến của các nghệ sĩ đã giúp chúng ta được kết nối về cảm xúc, được sẻ chia nỗi niềm và thấu hiểu cuộc sống hơn. Văn hóa nghệ thuật thực sự là món ăn tinh thần có giá trị cho một tâm thế sẵn sàng và tích cực trong đại dịch”.
Đa dạng hơn trong cách tiếp cận
Ngoài các chương trình có quy mô lớn được tổ chức bởi các nhà hát, rất nhiều chương trình nghệ thuật nhỏ đã được các nhóm nghệ sĩ thực hiện trên nền tảng mạng xã hội, đang tạo ra một phong trào sôi nổi, có sức động viên lớn với công chúng. Với đặc điểm dễ tổ chức, hình thức phong phú, những chương trình nhỏ có khả năng tương tác mạnh mẽ hơn. Chính vì điều này, Bộ VHTTDL định hướng thành lập một nhóm các nghệ sĩ để tổ chức xây dựng các clip, sáng tác ca khúc, tiểu phẩm sân khấu... để đa dạng hóa hình thức tuyên truyền.
Chia sẻ về sự chuyển đổi cách thức tiếp cận công chúng của các nhà hát truyền thống, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cho biết: Gần 2 năm qua, do đại dịch Covid-19, các đơn vị nghệ thuật không thể tổ chức các chương trình biểu diễn, đời sống văn hóa nghệ thuật vắng bóng những chương trình lớn, hoạt động kém đa dạng. Vì vậy, cần tìm hướng đi mới để tiếp cận, tương tác với khán giả. Ngay từ cuối năm 2020, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã xây dựng kênh Nghệ thuật biểu diễn Việt Nam trên YouTube và Facebook. Hình thức này đã giúp nghệ sĩ và khán giả cập nhật thông tin về các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp và các chương trình biểu diễn chất lượng cao...
Là người có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức các chương trình trực tuyến, đạo diễn Vạn Nguyễn cho rằng, làm các chương trình livestream nhỏ là cách khả thi nhất hiện nay. Mặc dù các chương trình này không có doanh thu bán vé nhưng phù hợp trong tình hình dịch bệnh, cách tổ chức gọn nhẹ, khán giả xem và tương tác rất thoải mái... Chỉ có hình thức này mới có thể giải quyết được bài toán về nhu cầu được xem các chương trình nghệ thuật mới, phản ánh hơi thở đời sống, truyền tải thông điệp về phòng chống dịch cũng như mong mỏi được biểu diễn của nghệ sĩ.
Ở góc độ khán giả, theo chị Nguyễn Tường Vân, sẽ hiệu quả hơn nếu sau khi phát trực tiếp, các chương trình được biên tập thành các tiết mục ngắn để phát lại trên các nền tảng mạng xã hội. Bên cạnh đó, việc truyền thông nên được thực hiện đa dạng. Ngoài các trang thông tin chính thức, có thể kêu gọi nghệ sĩ, người nổi tiếng tham gia biểu diễn và cổ động cho chương trình. Các chương trình này cần cho thấy tính hệ thống, chuyên nghiệp thông qua cách tổ chức phát sóng theo khung giờ cố định, có sự chuẩn bị cẩn thận về đường truyền, âm thanh tốt, hình ảnh đẹp...
Nhu cầu thưởng thức nghệ thuật cũng như được động viên về tinh thần để chống dịch của công chúng trong những ngày giãn cách là rất lớn. Việc đẩy mạnh các hoạt động nghệ thuật biểu diễn, đa dạng hóa hình thức tiếp cận chính là lời giải hiệu quả trong tình hình dịch diễn biến căng thẳng như hiện nay.
Gửi phản hồi
In bài viết