Gỡ khó trong thực hiện Đề án 06

- Việc thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến 2030 (gọi tắt là Đề án 06) trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Các sở, ngành của tỉnh phối hợp tập trung tháo gỡ để đảm bảo thực hiện Đề án 06.

Những khó khăn, vướng mắc

Đề án 06 có mục tiêu hướng đến 5 nhóm tiện ích, ứng dụng dữ liệu dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) và cung cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến. Trong đó ưu tiên sớm triển khai 25 thủ tục DVC thiết yếu liên quan đến người dân.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, tuy việc tiếp nhận hồ sơ qua Cổng Dịch vụ công (DVC) quốc gia, các bộ, ngành Trung ương đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn thấp. Ví như trong tháng 11, toàn tỉnh mới có gần 8.300 hồ sơ TTHC DVC thiết yếu được tiếp nhận trên cổng DVC, chiếm 67,6% trên tổng số hồ sơ tiếp nhận mới, đã và đang giải quyết. 10 tháng năm 2022, toàn tỉnh mới có khoảng 150 giao dịch thực hiện thanh toán trực tuyến thành công trên Hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng DVC Quốc gia...

Công an toàn tỉnh đẩy nhanh việc cấp căn cước công dân và tài khoản định danh điện tử
cho nhân dân góp phần thực hiện thắng lợi Đề án 06.

Nguyên nhân người dân chưa có thói quen sử dụng các DVC trực tuyến, nhiều công dân không dùng điện thoại thông minh. Cùng với đó, đường truyền phục vụ giải quyết DVC trực tuyến, hệ thống một cửa điện tử của tỉnh chưa kết nối liên thông với hệ thống quản lý của một số bộ, ngành Trung ương. DVC thuộc lĩnh vực đăng ký, quản lý cư trú có đường truyền, hệ thống hay bị lỗi, khó truy cập. Nhiều công dân đã hoàn thành thủ tục nộp nhưng trên hệ thống phần mềm không nhận được hồ sơ đăng ký của công dân để tiếp nhận, giải quyết, mất 1 đến 2 ngày để dữ liệu mới đồng bộ.

Hoặc hệ thống một cửa điện tử tỉnh vẫn chưa kết nối, liên thông được với Hệ thống quản lý lý lịch tư pháp dùng chung và Hệ thống thông tin Đăng ký và Quản lý Hộ tịch do Bộ Tư pháp triển khai thực hiện trên toàn quốc. Đối với Cổng DVC, hệ thống giải quyết TTHC trên môi trường điện tử của một số bộ, ngành (liên thông, kết nối đến Cổng DVC Quốc gia) chưa thực sự hoàn thiện, người dân mất nhiều thời gian thực hiện các thao tác. Cán bộ giải quyết phải hỗ trợ thao tác hộ người dân nên dẫn đến chưa giảm ngay được số lượng cán bộ giải quyết TTHC.

Tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh, cán bộ Bảo hiểm Xã hội tỉnh chủ động phân luồng, hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trực tuyến nếu đủ điều kiện.

Công tác triển khai kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức độ 1, mức độ 2 (qua ứng dụng VNeID) cho công dân gặp phải một số vướng mắc như: nhiều công dân không sử dụng Smartphone hoặc có sử dụng nhưng thiết bị không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật để cài đặt, kích hoạt ứng dụng VNeID. Hệ thống Cơ sở dữ liệu đôi khi bị lỗi, gây khó khăn cho công tác tuyên truyền, hướng dẫn.

Nỗ lực hoàn thành mục tiêu

Để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án 06, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo, yêu cầu các sở, ngành và các huyện, thành phố chỉ đạo các đơn vị, tổ chức tiếp nhận giải quyết TTHC, các giao dịch dân sự, nghiên cứu, sử dụng hiệu quả các phương thức khác thay thế cho sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sẽ hết giá trị sử dụng sau ngày 31-12- 2022. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền vận động công dân chủ động đi làm căn cước công dân tạo thuận lợi khi làm TTHC, thúc đẩy chuyển đổi số.

Sở Thông tin và Truyền thông đã chủ động phối hợp bảo đảm hạ tầng kỹ thuật, đường truyền kết nối, quản lý, duy trì, vận hành, phát triển nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; nâng cấp, hoàn thiện Cổng DVC, hệ thống thông tin Một cửa điện tử của tỉnh và các hệ thống thông tin dùng chung khác có nhu cầu kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia... Nhờ đó, Tuyên Quang là 1 trong 14 tỉnh, thành phố đầu tiên của cả nước đủ điều kiện kết nối với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư.

 Người dân xã Tràng Đà (TP Tuyên Quang) hài lòng sử dụng ứng dụng VNeID có tích hợp bảo hiểm y tế khi đi khám, chữa bệnh.

Các cơ quan, đơn vị cũng đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm đưa DVC trực tuyến đến gần dân hơn. Chị Đỗ Minh Thu, chuyên viên Bảo hiểm Xã hội tỉnh cho biết: quá trình tiếp nhận giải quyết hồ sơ trực tiếp cho người dân, chị đều chủ động phân luồng. Nếu đủ điều kiện nộp trực tuyến chị hướng dẫn người dân đăng ký tài khoản, thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến và cài, sử dụng ứng dụng VssID (ứng dụng của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam). Đa số người được hướng dẫn nộp hồ sơ trực tuyến đều bày tỏ sự hài lòng về những tiện ích mang lại. Còn các trường hợp còn lại không đủ điều kiện vẫn nộp trực tiếp bình thường.

Theo Đại tá Đỗ Tiến Thùy, Phó Giám đốc Công an tỉnh: Đề án 06 có khối lượng công việc rất lớn, thời gian triển khai ngắn, do đó để đảm bảo tiến độ đòi hỏi phải huy động được sức mạnh của hệ thống chính trị. Lực lượng Công an giữ vai trò nòng cốt thực hiện cao điểm “90 ngày, đêm” triển khai các giải pháp bảo đảm quy định của Luật Cư trú và tăng cường đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án 06; tạo tiền đề, nền tảng cho việc triển khai thực hiện nhiệm vụ Đề án 06 năm 2023 và các năm tiếp theo.

Công an tỉnh vừa ký kết phối hợp với Tỉnh đoàn, Hội LHPN tỉnh trong triển khai thực hiện Đề án số 06. Cụ thể, ba đơn vị đã phối hợp tập huấn cho 9.100 người (chủ yếu là các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, cấp thôn) về công tác tuyên truyền, hướng dẫn đăng ký, kích hoạt, sử dụng tài khoản định danh điện tử VNeID đăng nhập vào Cổng DVC quốc gia giải quyết TTHC, giao dịch dân sự và tiếp cận một số dịch vụ tiện ích trên nền tảng công nghệ số...

Bám sát chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ngành và các huyện, thành phố tiếp tục rà soát, đánh giá, có phương án bố trí, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ trực tiếp tiếp nhận, giải quyết TTHC tại các cơ quan, đơn vị, địa phương, đáp ứng tốt các yêu cầu, nhiệm vụ của Đề án 06.         

Bài, ảnh: Lý Thịnh

Tin cùng chuyên mục