Sinh động những bài học lịch sử
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Sơn cho biết: Thực hiện đổi mới nâng cao chất lượng giảng dạy nội dung giáo dục địa phương (chương trình giáo dục phổ thông 2018) và chương trình lịch sử địa phương (chương trình giáo dục phổ thông 2006), ngành Giáo dục và Đào tạo huyện đã tăng cường công tác chỉ đạo, trong đó chú trọng phân công giáo viên dạy các chủ đề phù hợp với năng lực thầy cô; quan tâm, tạo điều kiện để giáo viên tham gia được nhiều nhất các buổi tập huấn chuyên môn nghiệp vụ. Qua đó, giúp thầy cô vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức dạy học tích cực nhằm phát huy tối đa năng lực của học sinh, tăng cường các hoạt động thực hành.
Những giờ giảng về lịch sử địa phương của cô giáo Nguyễn Thu Hiền, giáo viên trường Phổ thông dân tộc Nội trú THPT tỉnh được học trò đánh giá là “truyền cảm hứng” và “được trông đợi”. Em Lý Huyền Trân, học sinh lớp 11G, trường Phổ thông dân tộc Nội trú THPT tỉnh cho biết: cô Hiền có cách truyền đạt sinh động, dễ hiểu. Cô có nhiều video ngắn về các địa danh lịch sử như: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Bình cùng những câu chuyện lịch sử hay, ý nghĩa để kể cho học sinh nghe.
Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường THPT Xuân Vân (Yên Sơn) tổ chức Lễ kết nạp đoàn viên tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Bình
Đặc biệt hơn cả, cô luôn tạo ra bầu không khí thoải mái trong các tiết học, tạo tâm thế tốt để học sinh tiếp thu kiến thức. Giờ học của cô, học sinh có thể nhảy, có thể hát những bài hát liên quan đến chủ đề cô dạy, hay như trò chơi “Giải mã ô chữ”, ai trả lời đúng câu hỏi đều nhận được một phần quà. Nhờ vậy, giờ học của cô luôn luôn nhận được sự hưởng ứng, tương tác tích cực, tự giác từ phía học sinh.
Giáo dục lịch sử địa phương không chỉ bó gọn ở những tiết học trên lớp mà còn được thể hiện sinh động bằng nhiều hoạt động giáo dục như tổ chức ngoại khóa, tọa đàm, nói chuyện truyền thống; thi tìm hiểu kiến thức lịch sử “hái hoa dân chủ”, hành trình về nguồn, tham quan các di tích lịch sử; tri ân các anh hùng liệt sĩ...
Em Hoàng Kim Doanh, học sinh lớp 12B, trường PTDT Nội trú ATK Sơn Dương cho biết việc được nghe các nhân chứng kể chuyện lịch sử, tham quan các di tích trên địa bàn tỉnh đã giúp em phát huy được tính chủ động, tự giác trong việc biết tự tìm hiểu sâu hơn thông tin về những điểm di tích mình sẽ đến.
Cùng chung niềm hứng khởi đó, em Bùi Yến Nhi, học sinh lớp 11B1, trường THPT Ỷ La (TP Tuyên Quang) cho biết: việc tìm hiểu về lịch sử địa phương đã giúp em có thêm cơ hội khám phá, mở mang kiến thức, hiểu hơn về truyền thống tốt đẹp của thế hệ đi trước để lại. Từ đó, bồi đắp cho chúng em niềm tự hào, tình yêu quê hương và ý thức trân trọng, giữ gìn truyền thống, bản sắc văn hóa địa phương.
Yêu quê hương qua những bài học lịch sử
Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào, xã Tân Trào (Sơn Dương), được mệnh danh là “bảo tàng cách mạng”, một địa chỉ đỏ trong hành trình về nguồn, giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng cho thế hệ trẻ. Chị Lành Thị Kiên, hướng dẫn viên Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào chia sẻ: Tân Trào ngày càng thu hút đông đảo các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan Trung ương, địa phương tìm về dâng hương, báo công, tổ chức các hoạt động kết nạp Đảng, Đoàn, Hội, Đội, chị rất vui được đồng hành, giới thiệu, hướng dẫn và chia sẻ cùng những người trẻ, những hiểu biết về khu di tích, để cùng lan tỏa niềm tự hào về truyền thống cách mạng vẻ vang của địa danh Tân Trào lịch sử đến với đồng bào, chiến sĩ cả nước…
Là người tâm đắc với việc trang bị kỹ năng cho học sinh thông qua việc tổ chức cho các em được đi tận nơi, thấy tận mắt, học trực tiếp tại những địa danh lịch sử của địa phương, thầy giáo Nguyễn Trung Phần, giáo viên dạy lịch sử, trường THPT Xuân Vân (Yên Sơn) chia sẻ: dịp kỷ niệm ngày thành lập quân đội Nhân dân Việt Nam 22/12/2022, tổ Lịch sử - Ngoại ngữ - Văn phòng Trường THPT Xuân Vân đã xây dựng kế hoạch công phu, bài bản với chủ đề “Theo dấu chân những người anh hùng”.
Với 3 hoạt động trọng tâm tổ chức Lễ báo công, tưởng niệm anh hùng, liệt sĩ tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ xã Xuân Vân; tổ chức dạy trực quan cho học sinh tại di tích chiến thắng Khe Lau, xã Thắng Quân (Yên Sơn) và hoạt động ngoại khóa tại trường. Hoạt động này giúp học sinh nhớ lâu, nhớ sâu hơn về các sự kiện lịch sử của địa phương cũng như lịch sử dân tộc, đồng thời giúp các em thêm yêu quê hương Xuân Vân, tự hào hơn về mảnh đất các em đang sinh sống.
Có thể thấy, để học sinh hứng thú với môn lịch sử đòi hỏi giáo viên phải không ngừng đổi mới phương pháp, tạo nhiều hơn những “sân chơi” bổ ích, những hoạt động ngoại khóa cho học sinh thay vì cách truyền đạt kiến thức cứng nhắc, một chiều, từ đó, giúp học sinh không những say mê lĩnh hội, tìm tòi, khám phá những tri thức lịch sử, mà còn hình thành ở các em thái độ và động cơ học tập đúng đắn, nâng cao chất lượng dạy học bộ môn.
Gửi phản hồi
In bài viết