Nhiệm vụ quan trọng

- Sinh hoạt chi bộ là nhiệm vụ quan trọng, là thành tố quyết định vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Chính vì vậy, Đảng ta đã có nhiều văn bản chỉ đạo về sinh hoạt chi bộ, nhằm bảo đảm tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu để chi bộ thực sự là nơi lãnh đạo, quản lý, giáo dục, rèn luyện và bồi dưỡng cán bộ, đảng viên.

Tuy nhiên, bên cạnh những chi bộ làm tốt công tác này, vẫn còn những chi bộ chưa làm tốt. Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Đề án số 16-ĐA/TU ngày 03/01/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ giai đoạn 2020 - 2025 cuối tuần qua đã chỉ rõ: nhận thức của một số cấp ủy cơ sở về vai trò, ý nghĩa của việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ còn hạn chế; việc xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ còn chậm, thiếu các giải pháp cụ thể, chưa sát với tình hình thực tế; trình độ, kỹ năng, nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng của một số bí thư chi bộ thôn, tổ dân phố còn hạn chế; nhiều nơi chưa thực sự quyết liệt, sâu sát trong triển khai, hướng dẫn, kiểm tra việc nâng cao chất lượng sinh hoạt các chi bộ trực thuộc…

Một trong những lý do khiến chất lượng sinh hoạt chi bộ hạn chế là vẫn còn tương đối phổ biến tình trạng đảng viên không tham gia ý kiến trong sinh hoạt Đảng hoặc có tham gia nhưng hình thức, chiếu lệ, tham gia kiểu nghĩ một đằng, nói một nẻo.

Nguyên nhân có nhiều, nhưng có nguyên nhân nguy hiểm là do đảng viên không quan tâm đến công việc của Đảng, của chi bộ, thiếu tinh thần tự phê bình và phê bình.

Sinh thời, Bác Hồ đã dạy “Chi bộ là nền móng của Đảng, chi bộ tốt thì mọi việc sẽ tốt”. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khi kết luận hội nghị cuối tuần qua cũng đã nhấn mạnh, việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ là nhiệm vụ quan trọng, là hồn cốt của công tác xây dựng Đảng. Các cấp ủy đảng cần xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng Đảng cả trước mắt và lâu dài, khắc phục ngay các  biểu hiện “nhạt Đảng”, “xa rời chính trị”, không quan tâm tới công việc chung của Đảng, lười học tập nghị quyết, không nắm chắc chủ trương, đường lối của Đảng, các quy định, hướng dẫn của Đảng còn lơ mơ, lúng túng...

Do đó, mỗi đảng viên cần thường xuyên rèn luyện và nghiên cứu để nắm vững vấn đề, tham gia ý kiến trong sinh hoạt Đảng. Mỗi chi bộ cũng cần thường xuyên kiểm tra, xóa bỏ mọi biểu hiện thờ ơ, “nhạt” Đảng. Tư tưởng biết nhưng không đấu tranh, thờ ơ, ngại va chạm sẽ tạo môi trường cho vi phạm, suy thoái nảy mầm, phát triển; làm suy yếu tính chiến đấu và năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng.  

Ngọc Linh

Tin cùng chuyên mục