Người ở lại cánh rừng

- Theo một tua du lịch tôi ngược lên vùng ATK với mục đích để tận mắt được nhìn thấy cây đa Tân Trào, mái đình Hồng Thái, lán Nà Nưa, đình Kim Long... Đường về Tân Trào bây giờ đẹp quá, mặt đường nhựa đen loáng dưới hai bờ rừng ngát xanh cây lá.

Đến Tân Trào cũng như bao du khách khác tôi được những phút thiêng liêng nhìn thấy căn lán đơn sơ Cụ Hồ đã ở, được đứng dưới bóng đa Tân Trào lịch sử... Đất thiêng thường làm thức dậy trong ký ức con người ta những nỗi niềm vừa xa xôi, vừa gần gũi. Trong đầu tôi tự nhiên cứ bời bời chuyện riêng chung lẫn lộn. Sau cái cảm xúc thiêng liêng về chiến khu lịch sử oai hùng, chuyện nhà tự nhiên thức trong tôi tên một vùng đất mà bấy nay tôi vẫn cất vùi trong ký ức: Bình Yên, Lương Thiện. Nơi ấy tôi có một ông cậu họ ngoại đến trụ làm nghề dạy học ở đó từ những năm sáu mươi của thế kỷ trước.


Minh họa: Hồng Kiều

Là  cậu nhưng ông chỉ hơn tôi hai tuổi. Lớn lên tôi đi bộ đội rồi chuyển ngành ở lại phường phố không về quê nữa. Tin tức về cậu cũng chỉ nghe lào phào. Có người bảo cậu yêu nghề nên lập gia đình sinh sống tại đây giờ cũng có cửa cao nhà rộng, người lại nói cậu bị một bà mán ma chài làm cho mất trí nên không biết đường về quê... Tin tức về cậu tôi nghe mà chỉ biết vậy rồi bỏ lấp trong lãng quên. Bây giờ đến đây, nếu không tìm thăm cậu tôi sẽ là đứa cháu bất nghĩa. Tôi nhìn cái biển chỉ đường: ATK đi Bình Yên, Lương Thiện 13 km... Gần lắm. Thế là tôi xin phép đoàn bắt chuyến xe ôm về hướng đó. Xe chạy một hồi thì gặp cái dốc thẳng đứng, người lái xe ôm giảm tốc độ vừa cài số vừa bảo tôi:

- Qua cái dốc này là đến Bình Yên, đi một tua nữa là đến Lương Thiện. Cái dốc này gọi là dốc thầy Chiện đấy bác ạ. Tôi giật mình khi nghe cái tên quen thuộc nhưng vẫn làm ngơ hỏi:

- Sao lại gọi là dốc thầy Chiện?

- Cháu chỉ nghe chuyện truyền miệng kể. Đại loại là thế này. Hồi xưa, có một ông giáo ở dưới xuôi lên đây dạy học. Tên ông là Chiện. Bấy giờ rừng núi còn rậm, đường xá có chỗ đi chỉ đặt vừa bàn chân. Ở Bình Yên, Lương Thiện hồi ấy chưa có trường học. Đám trẻ lớn nhầng nhẫng nhưng chả đứa nào biết chữ. Thương chúng thầy giáo lặn lội đến vận động người lớn làm trường cho chúng học bổ túc. Có trường, đám trẻ đến lớp lỗ mỗ mỗi buổi vài đứa, thầy giáo Chiện phải đi từng nhà hàng tháng mới được vài chục đứa đi học. Có học sinh thầy Chiện phấn khởi hơn, sáng thầy dạy lớp chính ở Bình Yên, chiều có hôm cả tối theo yêu cầu của học sinh thầy đến dạy ở Lương Thiện. Ngày ấy con đường từ Bình Yên sang  Lương Thiện mắc con suối to kia, mùa lũ chỉ đứng nhìn nước chảy, qua sao được. Lo học sinh không có thầy lại bỏ học thế là thầy giáo Chiện lấy dao, lấy dựa phát cái lõng qua mỏm núi này để đi tắt, đi mãi thành đường, bây giờ máy về ủi to ra nó mới đi được xe máy, nhớ chuyện ấy dân hai bên Lương Thiện và Bình Yên mới đặt tên cái dốc này là dốc thầy Chiện là vậy.

- Thế cháu có biết thầy Chiện không?

- Cháu là dân làm ăn, ngụ cư ở đây chỉ nghe chuyện vậy chứ không biết thầy Chiện, nghe bảo thầy lấy vợ ở vùng này và ở bên Lương Thiện ấy. Giọng người lái xe ôm như phỏng đoán.

- Thế thì cháu cho bác đến Lương Thiện.

- Vâng, nhưng mà... người lái xe ôm định hỏi thêm câu gì nhưng lại thôi. Cậu ta về số xe rồi vặn ga đều đều cho con xe ngược dốc. Con xe chạy một thôi dài thì thấy khu trường học và nhà Ủy ban xã. Người lái xe ôm dừng xe và bảo:

- Bác đi lối kia, đến con đập to, thấy ngôi nhà sàn quay mặt nhìn ra cái ao cá là đúng nhà thầy Chiện.

- Cảm ơn cháu. Nói rồi tôi cắm đầu đi. Qua cái bờ đập thì thấy nhà. Tôi ngơ ngẩn nhìn rồi bước lên cầu thang. Người đàn bà hơn tôi chừng vài ba tuổi, bà vận đồ của người tày, đang làm lụng ở chỗ cầu nước. Tôi lễ phép:

- Bác cho em hỏi, đây là nhà thầy giáo Chiện ạ? Người đàn bà ngẩng lên nhìn tôi như nhìn một vật gì lạ lẫm mới từ trên giời rơi xuống, đoạn bà gật đầu và bảo:

- Phải, ông lên nhà đi. Tôi tháo giày, lẫm thẫm như đứa trẻ bước lên từng bậc cầu thang. Người đàn bà thong thả bê bộ ấm chén đặt lên nền cái chiếu hoa chải ở gian tả cái bếp ở giữa nhà và mời tôi ngồi. Vừa giót nước bà vừa hỏi:

- Khách tìm nhà ta có việc gì?

- Dạ, dạ tôi ngập ngọng mãi không ra ý. Chủ nhà nhìn tôi hiền lành rồi nói thêm. Có gì khách cứ nói thì mới biết, ta là vợ của thầy giáo Chiện mà. Tôi à lên một tiếng rất mãn nguyện vì mình đã đến đúng địa chỉ tìm kiếm.

-Dạ, thế thì bà cho cháu gọi bằng mợ!... Người đàn bà trố mắt nhìn tôi nhưng không hề ngờ vực. Tôi thỏ thẻ như đứa trẻ:

- Cháu là con chị Luận...

- Ờ, nói vậy là ta biết rồi. Anh là anh Phấn... Rồi bà khẽ thở dài!

Đoán có điều gì không bình thường, tôi ngước mắt nhìn khắp căn nhà. Giọng bà buồn thăm thẳm.

- Tôi bảo cậu anh lên rừng, theo cách nói ở đây, chắc anh chưa thấy! Tôi lặng người khi nhận ra điều bà sắp nói. Bà ngước nhìn tôi, mắt chớp chớp:

- Cậu anh mất từ hàng chục năm nay rồi. Khổ ông ấy trèo cây gần đến buồng quả mà chả được hái. Suốt đời lặn lội với học trò, chỉ còn năm nữa đến tuổi nghỉ hưu lại lăn ra chết. Đêm ấy cũng vào cuối tháng hè rồi, phong trào phổ cập tràn lan khắp rừng núi, ngày ngày ông ấy ăn miếng nhá, miếng nhuốt rồi lại cắp cặp đi. Buổi tối hôm ấy cũng mới khoảng chín giờ  thôi. Mợ thấy ngoài trường ồn ồn, mợ xách đèn chạy ra, thấy các thầy xúm quanh chỗ cái bảng. Khổ quá, cậu anh nằm khụy ở đấy, nước rãi bám đầy mồm miệng. Mọi người vội cáng ra bệnh viện. Các bác sỹ sờ tay, sờ chân rồi nhìn mợ bảo:

- Không kịp nữa rồi, đưa thầy giáo về có cái gì ngon thì cho thầy ăn. Lúc ấy chân tay mợ cứ nhũn mềm, mắt nhòe nhoẹt. Đưa được cậu anh về nhà thì đã khuya. Lạ, về đến nhà tự nhiên ông ấy lại tỉnh. Mợ bảo:

- Ăn cháo nhá? Ông ấy gật đầu. Mợ nổi lửa nấu niêu cháo bằng gạo nếp nương, đập trứng vào nhưng ông ấy chỉ nhắp được vài thìa rồi nằm yên hai mắt cứ thao láo nhìn mợ rồi từ từ lịm đi. Lúc ấy mợ chỉ biết ngửa hai bàn tay kêu giời. Khi ông ấy đã mồ yên mả lành, mình mợ lại xoay vần với ruộng vườn để có cái ăn cho năm, sáu đứa con. Chả còn thời gian nghĩ đến anh em dưới xuôi nữa. Cũng may, các em chả đứa nào đau ốm gì lại giống tính bố chịu khó làm lụng học hành nên mợ cũng đỡ vất và ở dưới đất sâu ông ấy cũng mát lòng!... bà lại khẽ thở ra. Tôi lựa lời bảo:

- Mợ đưa cháu đến...

- Ờ, mợ biết rồi, nhưng tục ở đây, người lên rừng nằm sau ba ngày là làm lễ đón hồn về nhà. Ông ấy ngồi kia, vừa nói bà vừa chỉ lên cái án thờ. Tôi nhìn theo. Bà bảo:

- Anh thắp cho ông ấy nén nhang, khói nhang cháy lên là cậu cháu gặp nhau đấy. Tôi lặng lẽ làm theo. Nén nhang tàn bà lại bảo:

- Tục ở đây là thế, nhưng người xuôi mình vẫn phải ra tận chỗ mả. Mợ sẽ dẫn anh đi.

- Vâng, cháu cám ơn mợ. Tôi nghẹn ngào. Bà lẳng lặng thắt cái vỏ dao vào thắt lưng, đeo cái  giỏ tre lên vai rồi dẫn tôi lên rừng. Hai mợ cháu lầm lũi đi, leo qua ba cái dốc thì thấy cái khe nước trong veo chảy róc rách. Bà bảo:

- Nó nằm dưới tán cây sung to tướng kia. Nói rồi bà lội qua khe nước đi ngược. Đến chỗ nấm đất, bà tút con dao, cắt một nhành cây cắm lên giữa nấm đất vái một lễ rồi bảo tôi vái theo. Việc xong bà dắt tôi đi một vòng quanh mộ rồi quay đầu tuột xuôi khe nước. Rời nấm mộ bà ngậm ngùi bảo:

- Lúc chúng nó còn bé, nhà còn vất vả thì ông ấy ở, lúc con cháu một lũ ông ấy lại lên rừng nằm. Chỉ một mình mợ được hưởng.
Tôi an ủi:

- Số giời cho đến đấy, làm nào được mợ! Nhưng chỗ cậu nằm êm đềm lắm, cái nền đất phẳng, có khe nước lại bóng cây sung đại thụ... Cậu phù hộ cho mợ và các em là mừng rồi mợ ạ. Đời người ai rồi cũng đến chỗ ấy!...

- Ờ, bao giờ đến chỗ ấy mợ cũng sẽ lên đó nằm cùng cậu anh. Nền đất chỗ ông ấy đang nằm đầy chuyện để cậu mợ nhớ đời nhá. Chuyện hay nhiều, tiện có anh tìm về đây mợ nói lại cho mà nghe. Cái chỗ ấy ngày loạn tàu bay của Mỹ, bản làm cái lớp học sơ tán. Bấy giờ mợ cũng mười bẩy mười tám tuổi rồi. Mười bẩy mười tám tuổi nhưng ở chỗ núi non này có biết chữ đâu. Thầy giáo Chiện về mở lớp, vận động mãi thế là mợ theo đám chúng bạn đến học. Học mãi mà chả viết được chữ o, chữ a. Thế là thầy Chiện phải lấy bút chì viết trước rồi cầm tay mợ tô lại. Lần đầu được thầy cầm vào tay khắp người mợ run bần bật, cái ngòi bút cứ bật ra ngoài nét chì giống như con rắn bò nghều ngào, mợ xấu hổ bỏ chả thèm đi học nữa. Thầy Chiện đến nhà dỗ dành mãi mợ lại nghe theo. Đến lớp mợ cũng cố tự viết như các bạn nhưng vì cái tay quen cầm dao cầm cuốc nó cứ đờ đẫn ra. Thầy Chiện lại cầm tay dạy mợ viết. Cầm mãi thấy quen và thấy nhớ, tự nhiên viết được. Viết được là thích đi học. Đi học đều được thầy mến thế là sinh ra cái chuyện có thằng Thiện bây giờ. Lúc nghe mợ bảo trong bụng có hình thầy giáo Chiện rồi! Mặt ông ấy tái như đít con nhái ngoài suối. Mợ cười rồi về tâu với Po me. Po me nhìn mợ lắc đầu nhưng giọng lại ân cần.

- Cứ bảo thầy Chiện về đây ở...

Thầy đồng ý và xách đồ thô về ở nhà mợ. Đẻ thằng Thiện xong hai người dắt nhau đến Ủy ban đăng ký. Có lẽ do cái duyên giời, vợ chồng cứ sòn sòn năm một. Vợ con quấn quýt chả đi đâu được, nghỉ hè cũng không về xuôi nữa. Người nhà tìm lên, mọi sự đã rồi. Cậu lại lầm lỳ ít nói, cứ ở ngoài lớp với học trò hết giờ mới về, về cũng chả mặn mà với anh em thế là về quê họ bảo cậu bị người mán chài, mất khôn, thành con ma rừng rồi!... Mợ biết nhưng vì hoàn cảnh, khi ấy po me mợ tuổi già dắt nhau lên rừng nằm. Con đông đành phải chịu tiếng với lại thời ấy ở đây có nhiều thầy giáo đâu. Ông ấy phải dạy học cả sáng cả chiều. Rảnh việc dạy học lại cùng mợ nương rẫy, ao phai... Có được nghỉ ngơi tý nào! Làm thầy giáo thời ấy có được như bây giờ đâu. Ông ấy khổ đến lúc chết!

Mợ khẽ thở dài.

Câu chuyện thật tình của mợ tôi tự vỡ ra hết nhẽ và cái định kiến cậu tôi bị người mán chài mất khôn thành con ma rừng được xóa nhòa đi. Tôi ở lại với gia đình mợ một thời gian. Đôi khi lại thấy người đến thăm có quà biếu mợ và họ đều thắp nhang lên bàn thờ vái cậu rất kính cẩn. Mợ bảo những người ấy đều là học trò của cậu, có đứa làm to ở ngoài tỉnh, ngoài huyện nhưng hễ về quê là vẫn đến thăm mợ và thắp hương cho cậu. Người ở núi thế mà cháu. Nghe chuyện tôi tự thấy bức chân dung cậu  rất đậm đà với học trò và dân bản ở vùng núi non này, nơi một đời cậu đã gắn bó. Tôi thầm nghĩ và càng kính trọng cậu hơn.

Chia tay mợ và các em. Tôi về nhà. Phố phường ngày đêm nườm nượp nhưng trong tôi vẫn xanh ngát cánh rừng và nấm đất chỗ cậu nằm có cây sung tỏa bóng bên cạnh khe nước ngày đêm róc rách chảy. Lòng tôi tự nhiên vừa chua xót vừa mát rượi. Tôi lặng lẽ ghi lại câu chuyện này thay cho nén nhang kính lên vong hồn cậu và cũng để nhắn nhủ với anh em họ tộc ở bên ngoại: Rằng ở vùng núi non  Yên Bình, Thiện Lương vẫn có một nhành anh em ruột thịt đang sống thuận hòa với bà con đồng bào các dân tộc đầy ân nghĩa.

Truyện ngắn: Trịnh Thanh Phong

Tin cùng chuyên mục