Đưa trang phục truyền thống thành hàng hóa

- Là người dân tộc Dao đỏ, chị Triệu Thị Khé, thôn Nong Cuồng, xã Phúc Sơn (Lâm Bình) luôn đau đáu gìn giữ trang phục truyền thống.

Du khách thuê trang phục dân tộc Dao đỏ chụp ảnh tại hang Pó Ngoặng, xã Phúc Sơn

Cách làm của chị hết sức mộc mạc, giản dị. Đó là cùng với chị em trong thôn mặc trang phục dân tộc trong sinh hoạt hàng ngày, lúc rảnh rỗi thì thêu quần, áo, khăn... Đặc biệt, khi nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao đỏ được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, chị nhận thấy số người tìm hiểu, sưu tầm trang phục truyền thống ngày càng nhiều. Vào dịp lễ, tết du khách khi đến bản làng vùng cao đều muốn mặc trang phục đồng bào dân tộc để chụp ảnh.

Vì thế, khi chợ phiên xã Phúc Sơn hoạt động, chị lập tức nảy ra ý định mang quần áo dân tộc Dao đỏ đi bán. Chị thu mua từng chiếc quần, chiếc áo, chiếc khăn, yếm... của từng gia đình rồi về may thành trang phục hoàn chỉnh đem bán. Buổi đầu, gian hàng chị thu hút rất đông khách tham quan. Nhiều người là đồng bào Dao ở nơi khác đến cũng hết sức tò mò. Họ đến xem tỉ mỉ từng họa tiết hoa văn, rồi trầm trồ khen ngợi vì sự sáng tạo, tinh xảo. Còn đồng bào dân tộc khác thì đều thích thú bởi sự nổi bật, khác biệt của trang phục dân tộc Dao. Rất nhiều người ướm thử rồi mặc để chụp ảnh.

Tuy nhiên, trang phục của đồng bào Dao đỏ khá "mắc" nên chị bán được chưa nhiều. Chị Khé cho biết, một bộ trang phục nữ của phụ nữ Dao đỏ có giá tới 5-7 triệu đồng, còn trang phục cô dâu lên tới cả chục triệu đồng. Sở dĩ giá bán cao như vậy bởi việc đầu tư để làm trang phục rất công phu và tốn nhiều thời gian. Nếu một phụ nữ thêu giỏi, làm liên tục thì mất khoảng 4-6 tháng mới xong, còn chỉ làm tranh thủ lúc rảnh thì phải mất cả năm trời, thậm chí lâu hơn. Trong khi đó, số người thêu thuần thục cũng chưa nhiều bởi học được kỹ thuật thêu không khó, nhưng hiểu được ý nghĩa của các họa tiết hoa văn trên trang phục mới là cái khó, và mô phỏng sao cho đẹp, cho bắt mắt thì càng khó hơn.

Chị Triệu Thị Khé giới thiệu bộ trang phục chị tự tay hoàn thiện

Chị Khé cũng phải học thêu từ lên 5-6 tuổi. Đầu tiên là quan sát bằng cảm quan, sau đó hàng ngày nhìn các bà, các mẹ thêu, học cách cầm kim, đưa từng mũi chỉ, rồi đến kỹ thuật phức tạp hơn. Đến năm 13-14 tuổi chị mới có thể thêu được trọn vẹn một bộ quần áo dân tộc Dao đỏ và tự tay làm trang phục của mình trong ngày cưới.

Mỗi khi mặc bộ trang phục dân tộc Dao đỏ, chị Khé thấy phụ nữ Dao rất đẹp, rất nổi bật. Và nhiều du khách cũng thích thú thuê trang phục dân tộc Dao đi chụp ảnh. Vừa rồi, một số chị em thăm hang Pó Ngoặng ở xã Phúc Sơn đã thuê trang phục dân tộc Dao đỏ của chị. Chị còn đi cùng các chị em vào tận hang Pó Ngoặng để hướng dẫn họ mặc trang phục, bởi trang phục truyền thống này không phải ai cũng biết cách mặc, nhất là cách vấn khăn, thắt lưng. Chị thấy rất vui khi trang phục dân tộc Dao đỏ được nhiều du khách thích thú đến vậy. Vì thế, đưa trang phục truyền thống giới thiệu, bày bán tại chợ phiên không chỉ là cách để quảng bá bản sắc văn hóa truyền thống mà còn có thể giúp chị nâng cao thu nhập.

Bài, ảnh: Hoàng Anh

Tin cùng chuyên mục