Ấm áp chiếc địu của người Mông

Chiếc địu được bày bán tại chợ phiên Hùng Lợi.

Cầm chiếc địu có hoa văn rực rỡ lên, chị Sằm Thị Phùa, dân tộc Mông, bán hàng tại chợ phiên Hùng Lợi (Yên Sơn) bảo:

- Người Mông dùng chiếc địu này quen rồi. Bán loại địu khác họ cũng không mua đâu. Phiên chợ nào chị cũng bán được vài cái đấy. 

Rồi chị giãi bày: Ngày bé chị cũng nằm trong chiếc địu này, rồi con chị, cháu chị cũng thế. Đứa trẻ người Mông nào sinh ra cũng được ngon giấc trong chiếc địu theo các bà, các mẹ đi chợ, lên nương hay thêu thùa... Bởi thế, chiếc địu là vật thân thiết, gần gũi không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt văn hóa của người Mông nơi đây.

Chiếc địu được làm bằng vải thô dày, vuông, gồm hai phần là thân địu và dây địu được kết nối với nhau rất chắc chắn. Bốn góc của tấm địu đính bốn sợi dây dài bằng vải dùng để buộc vòng chéo qua bụng cho chiếc địu chắc chắn khi địu trẻ con.

Công phu nhất là phần mặt địu. Chị Phùa bảo, ngày xưa trước khi lấy chồng, sinh con phụ nữ Mông đều dày công khâu, thêu chiếc địu. Có khi tấm địu là của hồi môn của cô gái sắp lấy chồng hoặc là quà tặng của bà ngoại trong ngày đầy cữ của cháu. Chị cũng thức không biết bao ngày đêm để làm địu cho con, cho cháu. Hiện nay, ở thôn Tòng, xã Hùng Lợi, nơi chị sinh sống, việc thêu tay được thay thế bằng chiếc máy dệt công nghiệp. Số người thêu tay dần ít đi. Tuy nhiên, dù dệt hay thêu tay thì các họa tiết hoa văn mang đậm bản sắc của đồng bào Mông vẫn được gìn giữ. Hoa văn thêu trên mặt địu là sự đan xen giữa các màu sắc xanh, đỏ, tím, vàng, trắng. Các hình khối, màu sắc được tạc trên tấm địu càng tinh xảo bao nhiêu càng thể hiện sự khéo léo, tinh tế và sáng tạo của phụ nữ dân tộc Mông bấy nhiêu. Vì lẽ đó, người con gái Mông nào khéo thêu thùa, may vá sẽ được nhiều chàng trai Mông để ý. Gia đình nào may mắn có được con dâu khéo thêu thùa, dệt vải cũng vô cùng tự hào, hãnh diện với bà con hàng xóm.

Cứ đến chợ phiên, chị Trương Thị Mỵ, thôn Nà Chương lại địu con đi chợ.

Dạo quanh một vòng tại chợ phiên Hùng Lợi, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh người mẹ địu con đi chợ. Nhìn con say trong giấc ngủ, chị Trương Thị Mỵ, thôn Nà Chương bảo, 4 đứa con của chị đều lớn lên trong chiếc địu này. Đứa này lớn lên, chị lại cất giữ cẩn thận để đứa sau dùng. Vì vậy, chiếc địu vẫn mới và bền đẹp. 

Cùng với các mặt hàng như quần áo dân tộc Mông, khăn đội đầu, cổ áo... thì chiếc địu khá nổi bật trong quầy hàng. Bán hàng lâu năm tại đây, trung bình mỗi phiên chợ chị Phùa bán được vài tấm địu. Cùng với các mặt hàng khác, chị Phùa cũng thu được khoảng 300- 400 nghìn mỗi chợ. Vào dịp Tết, có thể kiếm được vài ba triệu đồng. Chị Phùa chia sẻ, sản phẩm bán ra tuy không nhiều nhưng chị thấy vui vì bà con vẫn gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống. Đó là động lực thôi thúc chị và những người bán hàng tại đây bám trụ với nghề. 

Ngày nay, dù đã có nhiều sản phẩm tiện ích thay thế cho chiếc địu nhưng đồng bào dân tộc Mông vẫn sử dụng như một vật thân thương, gần gũi trong đời sống. Họ tự hào bởi chiếc địu là bản sắc, là tinh hoa được chắt lọc trong văn hóa truyền thống của đồng bào Mông.

Bài, ảnh: Hoàng Anh

Tin cùng chuyên mục