Phụ nữ nông thôn giữ gìn nghề truyền thống

- Trong những năm qua, cán bộ, hội viên phụ nữ tại các địa phương trong tỉnh đã có nhiều giải pháp khôi phục và giữ gìn nghề truyền thống. Qua đó, góp phần tạo việc làm, thu nhập cho hội viên. Đồng thời, tích cực giữ gìn bản sắc văn hoá các dân tộc.

Phụ nữ thôn Phai Đá, xã Chiêu Yên (Yên Sơn) giữ gìn nghề thêu truyền thống.

Thông qua các câu lạc bộ (CLB) giữ gìn bản sắc văn hoá, các nhóm sở thích ở dưới cơ sở, hội viên phụ nữ đã tích cực tham gia giữ gìn và phát huy nghề truyền thống. Trong đó, có nhiều nhóm sở thích hoạt động hiệu quả như: Nhóm cùng sở thích thêu, dệt thổ cẩm xã Minh Quang và Nhóm cùng sở thích thêu, dệt thổ cẩm xã Phúc Yên (Lâm Bình); CLB thêu, dệt thổ cẩm xã Yên Hoa và Nhóm cùng sở thích trang phục Dao đỏ, xã Sơn Phú (Na Hang); CLB giữ gìn văn hoá dân tộc Dao, thôn Phai Đá, xã Chiêu Yên (Yên Sơn)…

Chị Bàn Thị Tuyên, thôn Phai Đá, xã Chiêu Yên (Yên Sơn) là thành viên tích cực của Câu lạc bộ giữ gìn văn hoá dân tộc Dao của thôn. Là người biết thêu thành thạo, chị đã hướng dẫn chị em trong câu lạc bộ học thêu để có thể trang trí cho bộ trang phục truyền thống của dân tộc được đẹp hơn. Những đường kim, mũi chỉ đều được chị thực hiện một cách tỉ mỉ, khéo léo. Chị Tuyên chia sẻ, ngày trước, người con gái dân tộc Dao trước khi về nhà chồng đều phải tự chuẩn bị cho mình một bộ váy. Những hoa văn được thêu ở tà áo, gấu áo, thắt lưng hay mũ đội đầu… đều được làm thủ công, mất nhiều ngày, nhiều tháng mới hoàn thành. Bộ trang phục được chuẩn bị kỹ lưỡng cũng chính là thước đo đánh giá sự khéo léo, đảm đang của người con gái ấy. Vì vậy, chị mong các bạn trẻ hiện nay có thể biết thêu để trang trí cho trang phục truyền thống của mình.

Chị Tướng Thị Lý, xã Hùng Đức (Hàm Yên) giữ nghề may trang phục dân tộc.

Việc giữ gìn nghề truyền thống được đông đảo hội viên phụ nữ tích cực tham gia. Đồng thời tuyên truyền, vận động con, em trong các gia đình hưởng ứng. Đặc biệt, có rất nhiều hội viên trẻ tuổi thường xuyên duy trì hoạt động, tạo thành phong trào nền nếp ở dưới cơ sở.

Em Cháng Thị Mười, dân tộc Mông, thôn Chẩu Quân, xã Bình An (Lâm Bình) chia sẻ, để duy trì việc may trang phục truyền thống của dân tộc, em và một số chị em trong thôn đã thành lập Nhóm may trang phục truyền thống, gồm 14 người. Váy của phụ nữ Mông khá cầu kỳ, gồm nhiều công đoạn, vì vậy, các chị em trong nhóm thường phân công nhau thực hiện từng công đoạn để việc hoàn thiện sản phẩm được nhanh hơn. Nhờ duy trì nghề may trang phục truyền thống, chị em trong thôn đều có trang phục đẹp để diện trong các dịp lễ, Tết.

Chị Ma Thị Hậu, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bình An (Lâm Bình) cho biết, hiện nay hội viên phụ nữ trên địa bàn xã duy trì được một số nhóm cùng sở thích của dân tộc Dao, Mông. Qua đó, chị em khôi phục và phát huy được nghề truyền thống như thêu, may trang phục dân tộc; góp phần giữ gìn bản sắc văn hoá các dân tộc ở địa phương.

Trong thời gian tới, Hội Phụ nữ các cấp tiếp tục duy trì hoạt động của các CLB, các nhóm phụ nữ cùng sở thích. Đồng thời, nhân rộng các mô hình hiệu quả, đặc biệt là tuyên truyền, vận động các hội viên trẻ tham gia.                                                                     

  Huyền Linh

Tin cùng chuyên mục