Chuyển kể từ hậu phương...

- Trong cuộc chiến chống Covid-19, Tuyên Quang đã cử 100 chiến sỹ áo trắng vào điểm nóng ở thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương chống dịch. Ở nơi quê nhà, người thân của các y, bác sỹ cũng nỗ lực từng ngày để người thân yên lòng.

Tình yêu là sự sống...

Dịch Covid-19 bùng phát, công việc của các y bác sỹ vốn đã bận rộn lại càng bận rộn hơn. Nhiều y, bác sỹ phải đi tăng cường cắm chốt kiểm dịch, lên đường hỗ trợ “tiền tuyến”, rồi làm thêm nhiệm vụ kiểm soát người ra vào viện, hướng dẫn khai báo y tế… Mặc dù công việc bề bộn nhưng chưa khi nào thấy các anh chị ca thán một câu hay tỏ ra mệt mỏi, nản chí.

Chị Đỗ Thị Hạnh, điều dưỡng Khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa tỉnh dạy con học bài.

Hôm đó, chị Đỗ Thị Hạnh, điều dưỡng Khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa tỉnh dậy sớm lắm dẫu cả đêm không chợp nổi mắt. Bởi chồng chị là anh Nguyễn Ngọc Anh, hiện đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa Phương Bắc chuẩn bị lên đường vào Bình Dương chống dịch. Bao đêm chị thức trực, nhưng lần này chị thấy đôi mắt cay sè, có lẽ vì nhớ nhung và thương chồng quá đỗi. Chị lo lắng khi đọc trên báo những ca mắc mới tại Bình Dương vẫn tăng lên, nhưng anh bảo, ai cũng lo cho riêng mình thì làm sao kiểm soát được dịch bệnh. Nghe anh nói vậy, biết cái chí quyết tâm của chồng cao lắm, nên chị yên tâm phần nào. Từ ngày anh đi chống dịch, hôm nào chị cũng dậy sớm, lặng lẽ sắp xếp đồ đạc, chuẩn bị đồ ăn, quần áo cho con rồi nhanh chóng trở lại guồng quay của bệnh viện. Mỗi lần làm nhiệm vụ chăm sóc bệnh nhân, trong đầu chị lại thoáng qua hình ảnh của chồng đang vất vả đổ mồ hôi trong bộ quần áo bảo hộ chữa trị cho bệnh nhân F0. Lo lắng cho anh là thế, nhưng trong giọng nói của chị vẫn đầy lạc quan bởi người chồng, người cha thân yêu ấy của con mình đã không quản hiểm nguy để chung tay mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Trong câu chuyện anh Hoàng Quốc Việt, Trưởng Công an xã, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 xã Vân Sơn (Sơn Dương) kể về người vợ thân yêu, tôi cảm nhận được nỗi nhớ, tình thương yêu và cả sự tự hào của anh. Đến nay đã hơn 3 tuần vợ anh là chị Hoàng Thị Huyền, cán bộ điều dưỡng Trung tâm y tế huyện Hàm Yên tham gia chống dịch tại Bệnh viện Dã chiến số 10, thành phố Hồ Chí Minh. Anh kể rằng, điều vợ lo lắng nhất khi đi đó là 2 đứa con nhỏ ở nhà. Anh cũng phải làm nhiệm vụ nơi đầu tuyến, bao nỗ lo bộn bề trong tâm trí chị. 

Thế nhưng, nghĩ đến những đồng nghiệp cũng đã phải xa con để làm nhiệm vụ chống dịch, chị Huyền đã nghe theo mệnh lệnh trái tim, nén lại tình mẫu tử thiêng liêng trong lòng để lên đường tiếp sức cho tiền tuyến. Những ngày đầu quả thật rất khó khăn, 2 đứa nhỏ ở nhà nước mắt nghẹn ngào vì nhớ mẹ. Đêm, anh bế đứa con gái nhỏ dỗ dành, gắng lấp đầy khoảng trống cho con khi mẹ vắng nhà. Nhưng điều đó thật khó để bù đắp tình yêu thương con trẻ. Chị không thể cầm lòng khi con bé ngủ thiếp đi trên vai bố khi đôi mắt còn đọng đầy nước. Từ trước đến giờ, bao việc nhà chị đều lo cả, nhưng giờ để anh lo việc đó, chị thấy thương anh và day dứt. Nhưng Tổ quốc cần thì mỗi người phải hy sinh, để chung tay đầy lùi dịch bệnh. Chồng chị đã giấu đi nỗi vất vả cảnh "gà trống nuôi con" để chị yên tâm làm việc, anh vẫn nhắn cho vợ rằng, “em yên tâm chu toàn làm nhiệm vụ, con ở nhà đã có anh và ông bà chăm lo”. Đọc những điều ấy, nước mặt chị Huyền cứ rưng rưng, thấy tình nghĩa vợ chồng thật thiêng liêng quá đỗi. Là bởi, chị tin, khi người ta yêu nhau sẽ vượt qua tất cả, tình yêu là sự sống.

Nhớ nhung trở thành động lực

Câu chuyện của anh Hoàng Minh Phòng, kỹ thuật viên xét nghiệm Khoa Huyết học - Truyền máu viết đơn xin lên đường chống dịch đúng vào sinh nhật tuổi 34 đã lan tỏa khắp Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Bức thư ngắn gọn, nhưng đầy chân thành và quyết tâm đã trở thành nguồn cảm hứng của nhiều y, bác sỹ và thế hệ trẻ xông pha lên đường chống dịch.

Chị Lý Thị Hằng, cán bộ điều dưỡng Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh bận rộn với công việc tại bệnh viện.

Chị Lý Thị Hằng, điều dưỡng Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, là vợ anh Phòng nhớ lại giây phút chia tay chồng lên đường vào miền Nam chống dịch thấy hồn mình như mất đi một nửa. Khi đoàn xe lăn bánh, cảm giác trống trải, hụt hẫng đè nặng lên tâm trí chị, hai người con của chị nhớ bố mãi khôn nguôi. Chị Hằng bảo, các cháu còn nhỏ nhưng rất có ý thức, bố vắng nhà biết giúp mẹ làm việc, tự giác học tập hơn. Cháu Hoàng Bảo Ngọc, con gái chị Hằng nói, con xem ti vi, xem mạng, thấy các y, bác sỹ làm việc suốt ngày đêm chống dịch, con thương bố lắm, con sẽ chăm ngoan, giúp mẹ trông em, quét dọn nhà cửa, nấu ăn để bố yên tâm làm việc. Con bé nói đến đấy giọng nó nghẹn lại, sụt sùi, chị Hằng cũng nhỏ lệ vì thương con.

Buổi nào cũng thế, chị Hằng cũng kiểm tra kỹ lưỡng sức khỏe bệnh nhân nhi bị thiếu máu huyết tán đang điều trị tại khoa qua rồi mới về nhà. Nhìn những đứa trẻ tội nghiệp, chị càng nghĩ đến trọng trách trách lớn lao của người thầy thuốc. Ở trong đó cũng vậy, chồng chị cũng đang nỗ lực giành giật sự sống cho bệnh nhân, trong đó có những đứa trẻ thơ ngây bị nhiễm bệnh. Chị trở về nhà với những ký ức đó, con chị reo lên, mẹ về rồi, mẹ về rồi, mẹ gọi điện cho bố đi. Tiếng trẻ tíu tít như những con chim non trong tổ, chị thấy lòng mình tĩnh tại và hạnh phúc biết nhường nào. Đấy là động lực để vợ chồng chị cống hiến cho nghề cao quý, làm theo lời Bác Hồ dạy "Lương y phải như từ mẫu".

Bé Hoàng Bảo Ngọc cùng chơi với em.

Đặt lưng xuống giường sau một ngày dài chăm sóc bệnh nhân F0 ở Bình Dương, anh Nguyễn Ngọc Anh, bác sỹ Khoa Răng hàm mặt, Bệnh viện Đa khoa Phương Bắc mở điện thoại, lần lượt xem những bức hình của gia đình. Ký ức như thước phim quay chậm về hai đứa con nhỏ tíu tít bên bố mỗi buổi đi học về. Anh nhớ con, thương vợ vất vả sớm chiều, anh càng cố gắng làm việc để hết dịch dã trở về.

Tất cả vì miền Nam ruột thịt, điều đó thật thiêng liêng, vậy nên hậu phương của các y bác sỹ luôn biết hy sinh để vì "nghĩa lớn".

Phóng sự: Thùy Lê

Tin cùng dòng sự kiện