Kim Phú phục dựng điệu múa truyền thống của người Cao Lan

- Nhằm khôi phục, gìn giữ và phát triển bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc Cao Lan, thành phố Tuyên Quang đã và đang triển khai dự án bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

Trong đó, UBND thành phố tập trung xây dựng câu lạc bộ sinh hoạt văn hoá dân gian tại thôn 15 xã Kim Phú; đồng thời tổ chức lớp tập huấn, truyền dạy văn hoá truyền thống của người Cao Lan cho những người đam mê bản sắc dân tộc của Cao Lan.

Thành viên câu lạc bộ gìn giữ bản sắc văn hoá Cao Lan thôn 15, xã Kim Phú luyện tập điệu múa Khai đèn.

Anh Sầm Anh Đạo, dân tộc Cao Lan, thôn Mãn Hoá, xã Đại Phú (Sơn Dương) con trai Nghệ nhân Sầm Văn Dừn được mời truyền dạy các điệu múa truyền thống tại thôn 15, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) cho biết, dân tộc Cao Lan còn lưu giữ nhiều điệu múa truyền thống, có thể tạm chia làm 2 nhóm: Múa trong các nghi lễ tín ngưỡng và múa văn nghệ kết hợp hát Sình ca. Hiện nay, nhiều điệu múa truyền thống được gìn giữ và lưu truyền trong cộng đồng dưới hình thức sân khấu hoá như: Khai đèn, Chim gâu, Phát nương tra hạt, Xúc tép… Các vũ điệu dựa trên nền trống kết hợp chuông, tiếng hát mang lại không khí hết sức sôi động, thể hiện mong ước, khát vọng của người Cao Lan về cuộc sống sung túc, ấm no.

Anh Đạo cho biết thêm, để có thể thuần thục các động tác múa không khó, song để có thể truyền tải được thông điệp, ý nghĩa mà điệu múa mang lại thì cần phải tìm hiểu về nguồn gốc, ý nghĩa. Rồi anh giải thích thêm, như điệu múa Khai đèn, đúng như tên gọi tức là thắp đèn, thắp sáng cuộc sống, thắp sáng nhân gian. Đây là điệu múa trích trong lễ hội Đám tăng (Hội đèn) của người Cao Lan với mong muốn xua đi những rủi ro trong cuộc sống, cầu các vị thần soi đường, chỉ lối. Hiện nay, trích đoạn múa Khai đèn trong lễ hội Đám tăng được thể hiện dưới hình thức sân khấu hoá như một cách lưu truyền văn hoá Cao Lan trong cộng đồng. Số lượng người múa có thể là 4 nam, 4 nữ hoặc nhiều hơn tuỳ thuộc vào không gian biểu diễn. Tuy nhiên, số lượng trai gái cần tương đương để phân đoạn múa giao duyên được thể hiện trọn vẹn.

Tập luyện điệu múa Phát nương tra hạt.

Cùng với điệu múa Khai đèn, thì múa Chim gâu cũng là điệu múa truyền thống truyền tải thông điệp ý nghĩa về tín ngưỡng phồn thực. Vì vậy, khi múa từng động tác, từng cử chỉ phải thể hiện sự yêu thương, quấn quýt và chung thuỷ với nhau như đôi chim bồ câu. Tình yêu của họ gắn kết thành đôi, thành cặp rồi nên duyên vợ chồng, tiếp tục trách nhiệm duy trì nòi giống của người Cao Lan.

Với những thông điệp ý nghĩa sâu sắc, việc phục dựng các điệu múa truyền thống của người Cao Lan góp phần lan toả tinh hoa văn hoá từ ngàn xưa để lại. Qua đó góp phần làm dày thêm vốn văn hoá đồng bào các dân tộc xứ Tuyên.

Bài, ảnh: Hoàng Anh

Tin cùng chuyên mục