Chung tay gìn giữ bản sắc văn hóa Dao Tiền

- Trong 42 năm qua, vợ chồng ông Lý Văn Tàn và Bàn Thị Tiến ở thôn Khuổi Xoan, xã Hồng Quang (Lâm Bình) luôn miệt mài với việc giữ gìn và quảng bá văn hóa Dao Tiền của dân tộc mình. Nhiệt huyết của họ được trả “quả ngọt” khi những điệu múa, trang phục truyền thống… của người Dao Tiền được nhiều thế hệ trẻ trong thôn đón nhận và còn lan tỏa tới nhiều địa phương khác biết đến.

Bà Bàn Thị Tiến (bên trái) cùng với những phụ nữ trong thôn Khuổi Xoan thực hiện in hoa văn trên vải bằng sáp ong.

Ông Lý Văn Tàn năm nay đã ngoài 63 tuổi nhưng vẫn còn khỏe mạnh, vẫn thoăn thoắt khi hướng dẫn từng điệu múa, lời hát cho thế hệ trẻ. Mỗi lần được lan tỏa văn hóa Dao Tiền của dân tộc mình, ông thấy mình trẻ lại. Ông Lý Văn Tàn cho biết: Mỗi lần lên sân khấu là cơ hội để giới thiệu, quảng bá về mảnh đất, những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Để có thế hệ sau kế thừa văn hóa truyền thống, ông đã dày công xây dựng đội văn nghệ ở Khuổi Xoan, duy trì và tập luyện các tiết mục múa cầu mùa, múa cắp sắc, hát Páo dung... thường xuyên phục vụ khách du lịch tại các điểm du lịch của huyện. Ông rất vui khi thu hút được những người trẻ tuổi trong thôn là những nhân tố tích cực cùng tham gia gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Dao Tiền.

Vợ chồng ông Lý Văn Tàn và Bàn Thị Tiến trao đổi về nét thêu hoa văn trên trang phục truyền thống.

Động lực giữ gìn bản sắc văn hóa Dao Tiền của ông Lý Văn Tàn như càng được tiếp thêm sức mạnh khi được bà Bàn Thị Tiến - người bạn đời luôn đồng hành, cổ vũ ông trong suốt 42 năm qua. Cả hai vợ chồng đều là người Dao Tiền họ gặp nhau đồng cảm trên nhiều phương diện và có chung niềm đam mê đối với văn hóa truyền thống.

Ngày Bàn Thị Tiến rời nhà mẹ đẻ ở xã Hà Lang (Chiêm Hóa) đi lấy chồng ở thôn Khuổi Xoan, xã Hồng Quang đã mang theo những bộ trang phục do chính tay mình làm ra, đồng thời mang theo kỹ thuật tạo hoa văn trên váy bằng cách chấm sáp ong lên vải của người Dao Tiền học được từ mẹ truyền dạy. Trong 42 năm qua, cuộc sống có nhiều thay đổi, người mặc trang phục truyền thống ngày một thưa dần không còn mấy ai khâu tay làm ra bộ trang phục cầu kỳ nữa, họ chuyển sang mua quần áo bán sẵn ở chợ phiên.

Nhưng với bà Tiến, hàng ngày vẫn tranh thủ lúc nghỉ ngơi, hay đêm đến, say sưa ngồi thêu từng bộ trang phục truyền thống để cho các thành viên trong gia đình. Gia đình bà Tiến có 5 người con, bà luôn may đủ cho các con, các cháu mỗi người ít nhất một bộ trang phục truyền thống để con cháu mặc vào những ngày lễ, Tết, việc quan trọng trong gia đình, dòng tộc... Bà bảo rằng, muốn người Dao Tiền ở làng, ở xã nghe theo mình giữ gìn trang phục truyền thống trước hết gia đình mình phải làm gương.

 Ông Lý Văn Tàn hướng dẫn cháu về ý nghĩa từng phần trên trang phục truyền thống.

Ý nghĩ và nhiệt huyết của bà đã truyền cảm hứng cho nhiều người phụ nữ ở Khuổi Xoan cùng bà giữ gìn trang phục truyền thống của dân tộc. Bởi thế, mỗi tối đến hay những ngày nông nhàn, bếp lửa của gia đình bà thường là nơi tập hợp của những người phụ nữ trong thôn đến học, trao đổi cách thêu thùa, khâu vá; tìm hiểu các nét văn hóa truyền thống cổ xưa của dân tộc mình.

Từ nhiệt huyết của vợ chồng ông Lý Văn Tàn và Bàn Thị Tiến, bản sắc văn hóa truyền thống của người Dao Tiền thôn Khuổi Xoan, xã Hồng Quang (Lâm Bình) đang dần được khôi phục và lan tỏa trong xã hội hiện đại ngày nay. Bản sắc ấy chính là chất liệu quý giá tạo nên màu sắc riêng biệt của mỗi dân tộc, mỗi miền quê. Những người như đôi vợ chồng ông Lý Văn Tàn và bà Bàn Thị Tiến là những hạt giống quý để bản sắc văn hóa người Dao Tiền được nhân rộng và lan tỏa trong cộng đồng.

Bài, ảnh: Cảnh Trực

Tin cùng chuyên mục