Vào khoảng tháng 9, người dân ở các bản làng của người của Tày ở xã Phúc Yên vào vụ cốm mới.
Đồng bào Tày ở Phúc Yên có phong tục làm cốm truyền thống từ lâu đời. Dù mùa màng bận rộn đến mấy, người dân bản Tày ở Phúc Yên cũng không quên hương vị thơm ngon của cốm mùa thu, một đặc sản bấy lâu nay người dân nơi đây vẫn tự tay mình chế biến để làm giàu vốn văn hóa ẩm thực truyền thống của quê hương nơi non cao.
Khi thời tiết vào thu dịu mát, cũng là lúc các bản làng của người Tày ở xã Phúc Yên vào vụ cốm mới. Trên những khoảng ruộng trồng lúa nếp ở các thôn Khau Cau, Nà Khậu… những nam thanh, nữ tú người Tày cùng nhau lựa chọn những bông lúa nếp chín mẩy, trĩu bông. Ở đây, có giống lúa nếp cái khẩu lếch, là giống lúa nếp quý của địa phương, được đồng bào Tày duy trì và canh tác từ bao đời nay.
Để làm ra mẻ cốm thơm ngon, màu cốm xanh óng, người làm cốm phải trải qua rất nhiều công đoạn thủ công, mỗi một công đoạn cần sự tỉ mỉ, cần mẫn của người làm cốm. Từ khâu chọn những bông lúa để làm cốm người làm sẽ phải loại bỏ những bông già và nhưng bông bé, chỉ để lại những nhánh lúa non nhất, hạt còn ngậm sữa, vỏ hơi lam vàng và hạt chưa chín hết.
Giã cốm phải đều tay đảo cốm từ trên xuống dưới thì mới có được những hạt cốm óng mượt, xanh mướt.
Khi chọn được những bông lúa chất lượng thì đến công đoạn làm cốm cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo của người làm cốm. Trong quá trình giã không được mạnh tay quá cốm sẽ nát. Khi giã phải luôn tay đảo cốm từ trên xuống dưới sao cho đều, như vậy mới có được những hạt cốm óng mượt, xanh mướt.
Vào đầu mùa cốm nhà nào cũng dành những mẻ cốm thơm ngon đầu mùa để dâng lên tổ tiên, tạ ơn trời đất, cầu mong mưa thuận gió hòa, giúp người nông dân may mắn trong lao động sản xuất. Chị Chẩu Thị Nguyệt, thôn Nà Khậu, xã Phúc Yên biết làm cốm từ khi còn rất bé. Hương cốm mùa thu đã gắn bó với cả ký ức tuổi thơ của chị nên vào mỗi mùa cốm đều gợi nhớ cho chị nhiều cảm xúc.
Chị Nguyệt cho biết, năm nào cũng vậy, trong bữa mừng cơm mới đầu tiên gia đình chị đều không quên món cốm nếp được gói vuông vắn bằng lá dong đặt lên để báo cáo tổ tiên về vụ mùa bội thu. Sau đó, những hạt cốm nhỏ thơm ngon được chia cho các thành viên trong gia đình cùng nhau thưởng thức hương thơm, vị ngọt của cốm mới.
Mẻ cốm mới mang hương vị của núi rừng.
Ở các huyện vùng cao như Na Hang, Lâm Bình có nhiều bản làng người Tày duy trì nghề làm cốm. Nhưng khi thưởng thức món cốm ở xã Phúc Yên, huyện Lâm Bình lại có vị đậm đà, dẻo thơm của những hạt gạo mới. Bởi trong vị cốm ấy không chỉ đơn thuần là món ăn truyền thống có từ lâu đời mà còn chất chứa cả văn hóa, nghĩa tình của người làm cốm.
Ngày nay lễ hội giã cốm ở Phúc Yên (Lâm Bình) đã được phục dựng. Đây là dịp quan trọng để người dân địa phương quảng bá thương hiệu cốm người Tày ở Phúc Yên đén du khách, phục vụ phát triển du lịch, tạo nguồn thu nhập cho người dân.
Gửi phản hồi
In bài viết