Đa dạng loại hình hợp tác xã: Thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển

- Báo cáo của Liên minh Hợp tác xã (HTX), trong tổng số 452 HTX có 364 là HTX nông nghiệp, chiếm trên 80%. Mặc dù số lượng HTX nông nghiệp nhiều nhất nhưng hiệu quả hoạt động của HTX trong lĩnh vực này lại thấp nhất. Kết quả đánh giá phân loại 6 tháng đầu năm nay, có đến 58 HTX nông, lâm nghiệp không hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả. Để kinh tế tập thể có sự bứt phá, đổi mới mô hình, đa dạng hóa hoạt động sản xuất là giải pháp sống còn.

Được thành lập chưa lâu, song HTX thủy sản Yên Nguyên (Chiêm Hóa) đã khẳng định lợi thế cạnh tranh của ngành nghề sản xuất. Anh Nguyễn Văn Thiết, Giám đốc HTX khẳng định, HTX có 7 thành viên chăn nuôi 65 lồng cá đặc sản chiên, quất, bỗng... Trước đây các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chất lượng cá không đồng đều, thị trường tiêu thụ bấp bênh. Năm 2019, HTX được thành lập, các thành viên thực hiện chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, chất lượng cá ngon, đồng đều hơn hẳn. Sản xuất quy mô hàng hóa, theo tiêu chuẩn sạch, cá đặc sản Yên Nguyên đã “bơi” được ra biển lớn, thị trường tiêu thụ chủ yếu là Hà Nội, Vĩnh Phúc và Hải Phòng. Trung bình mỗi năm các thành viên HTX thu về trên 4 tỷ đồng. Năm 2020, sản phẩm cá đặc sản Yên Nguyên đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa.

Thành viên HTX thủy sản Yên Nguyên (Chiêm Hóa) nuôi cá đặc sản trên sông Lô.

Ông Đinh Văn Thịnh, thành viên Hợp tác xã Thủy sản Yên Nguyên phấn khởi cho biết, trước gia đình chỉ nuôi 2 lồng, khi vào HTX, được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của tỉnh, thị trường tiêu thụ ổn định, gia đình nuôi thêm 8 lồng, trong đó có 5 lồng cá đặc sản. Thu nhập từ nuôi cá lồng của gia đình đạt 350 - 400 triệu đồng/năm, đây là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, giá cả giảm nếu không nguồn thu từ nuôi cá còn cao hơn. Ông Thịnh khẳng định.

Sau hơn 5 năm đi vào hoạt động, HTX nấm sạch Bình Yên (Sơn Dương) đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường bởi sản phẩm chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Anh Lưu Văn Khuya, Giám đốc HTX nấm sạch Bình Yên cho biết, để HTX đứng vững được trên thị trường, HTX luôn xác định mỗi thành viên phải có trách nhiệm với chất lượng sản phẩm của mình, bởi nếu làm không tốt thì ảnh hưởng đến chính túi tiền của mình. Vì vậy, ngoài chú trọng làm ra sản phẩm nấm tốt, mỗi thành viên trong HTX đều tích cực nỗ lực tìm kiếm kết nối thị trường.

Hiện nay, trung bình mỗi năm HTX cho sản lượng hơn 17 tấn nấm các loại, với giá bán ổn định 25.000 - 30.000 đồng/kg. HTX đã tạo việc làm cho 8 lao động là người địa phương, thu nhập đạt từ 4 đến 5 triệu đồng/tháng.

Báo cáo đánh giá thực trạng HTX của Liên minh Hợp tác xã tỉnh, số HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả như HTX thủy sản Yên Nguyên (Chiêm Hóa), HTX nấm sạch Bình Yên (Sơn Dương) là không nhiều. Trong tổng số 364 HTX nông nghiệp chỉ có 44 HTX hoạt động tốt; 77 HTX hoạt động khá, còn lại là HTX trung bình, yếu và kém.

Ông Ma Thanh Quỳnh, Giám đốc HTX Nông nghiệp Công Đa (Yên Sơn) buồn rầu chia sẻ, 3 năm nay HTX không phát sinh nguồn thu. Nguyên nhân dịch vụ thủy lợi phí của xã không còn, dịch vụ cung ứng giống, vật tư nông nghiệp cũng không thể duy trì do người dân không đến với HTX.

Đổi mới mô hình, đa dạng hóa hoạt động sản xuất là giải pháp sống còn để kinh tế tập thể phát triển. Trong dự thảo Đề án củng cố, đổi mới và phát triển kinh tế tập thể, HTX tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 sắp phê duyệt, tỉnh đặt ra mục tiêu: Phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững, đa dạng hóa ngành nghề thực sự là thành phần quan trọng trong nền kinh tế. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thực hiện củng cố và mở rộng quy mô, phạm vi hoạt động của các HTX hiện có; phát triển các mô hình HTX gắn với các chương trình khuyến công, chương trình xúc tiến thương mại, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Về thương mại - dịch vụ, mở rộng quy mô và phát triển các HTX dịch vụ vận tải, du lịch kết hợp với mua sắm theo hướng hiện đại, đáp ứng nhu cầu thị trường; xây dựng loại hình HTX thương mại trở thành cầu nối cung ứng hàng hóa, dịch vụ của HTX và thành viên với hệ thống siêu thị, trung tâm phân phối; phát triển HTX theo hướng kinh doanh tổng hợp (mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ)...

Thành viên HTX chăn nuôi trâu, bò sạch xã Thái Sơn (Hàm Yên) liên kết chăn nuôi trâu, bò vỗ béo đem lại lợi nhuận cao.

Ông Đồng Mạnh Cường, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh khẳng định, hiện tại tỉnh đã có nhiều cơ chế chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tập thể như: Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ HTX; hỗ trợ thành lập mới HTX; hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; hỗ trợ ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới; chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với HTX nông nghiệp. Tổng hợp đến giữa tháng 8 đã có ít nhất 44 HTX được hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, bao gồm trụ sở, nhà kho, nhà xưởng, công trình điện, nước... với tổng kinh phí 75,2 tỷ đồng. Ngoài ra 106 HTX được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất.

Với cơ chế, chính sách của tỉnh, kinh tế HTX có những bước chuyển, đã có 160 HTX đã thực hiện chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật Hợp tác xã với đa dạng hóa ngành nghề sản xuất kinh doanh, trong đó có 148 HTX hoạt động trên lĩnh vực phi nông nghiệp, dịch vụ, tăng 25 HTX. Nhiều HTX hoạt động rất hiệu quả, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho các thành viên như: HTX vận tải và dịch vụ môi trường Thanh Bình (TP Tuyên Quang); HTX khai thác đá Nhữ Khê (Yên Sơn)... Đa dạng hóa loại hình HTX đã thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển, là thành phần quan trọng trong nền kinh tế.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục