Nghề Shipper

- “Lừa đảo, không nhận hàng” - Người đàn ông sức vóc to cao, lớn tiếng quát, ném thẳng gói hàng vào chị. Chị Thường nhẫn nhịn, gói ghém lại hộp hàng, mồ hôi túa ra. Nỗi buồn của người phụ nữ tuổi 30 khiến những người chứng kiến đều ái ngại, thương cảm với nỗi nhọc của nghề Shipper…

Cái nghề lắm nỗi…

Lọc cọc thùng hàng sau lưng, trở về nhà khi trời chuyển tối nhanh, chị Nguyễn Thị Thường, nhân viên giao nhận hàng của Công ty J&T tâm trạng bộn bề. Nước mắt chị giấu vào trong khi nhớ tới chồng ngày anh còn sống. Chị là gái Tày Chiêm Hóa, nhà ở xã Tân Thịnh nổi tiếng với làn da trắng trẻo, xinh xắn khiến chàng trai người thành phố tha thiết yêu thương. Anh đón chị về làm dâu…

Chị Thường tự hào bảo, chồng chị là người chiều vợ nhất trên đời này. Nói đến vậy, nước mắt chị cứ lăn ra trên gương mặt khắc khổ, cái nhìn xa xăm nhớ chồng vời vợi. Ngày đó, một mình anh đi làm nuôi mẹ già và vợ con, vất vả nhưng chưa khi nào thấy anh phàn nàn một câu. Đi làm về, anh lại cùng vợ việc nhà, cuộc sống thật êm đẹp nhưng chị đâu ngờ bão tố ập tới khi chồng chị mắc bệnh ung thư gan. Ngôi nhà nhỏ ở tổ 8, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) ngày nào rộn tiếng cười đầm ấm, bỗng chốc vắng bóng người trụ cột. Chồng mất, chị thấy tâm hồn mình cũng như theo anh về nơi chín suối, nhớ thương chồng và lo lắng cho tương lai. Chị biết làm gì đây ở thành phố này để nuôi con nhỏ, mẹ già. Nhưng chị nghĩ, nhớ thương chồng mà bi lụy thế này thì chồng sao yên ở nơi chín suối. Chị gượng dậy và hành động…

Chị Thường chuẩn bị đi giao hàng cho khách.

Chị đi bán hàng thuê cho nhiều đại lý, cửa hàng tạp hóa để có thu nhập nuôi mẹ và con. Năm 2018, cơ hội mở ra cho chị khi Công ty J&T tuyển nhân viên giao hàng, chị nộp hồ sơ và được nhận vào làm từ đấy. Chuỗi ngày khó khăn dần cũng qua đi, chị có lương đều đặn, cuộc sống bắt đầu đổi thay, nhất là trong mùa dịch dã thế này, nhiều người mất việc làm nhưng nghề của chị vẫn có thu nhập ổn định. Nhưng nghề Shipper - giao hàng cũng lắm gian nan, nhất là với phái nữ. Chị bảo, không ít lần chị bị khách cáu gắt ném hàng trả lại vì không đúng sản phẩm đặt. Không những thế, họ còn chửi mắng, cho là chị gian dối dẫu chị đã nói trước kiểm tra hàng trước khi thanh toán. Những lúc ấy chị thấy cái nghề này tủi thật.

Nhiều tình huống không chỉ riêng chị mà nhiều Shipper phải đối mặt. Thời gian đầu khi mới vào làm do chưa có nhiều nhân viên, chị được giao địa bàn chạy dọc từ phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) lên đến mạn các xã Phúc Ninh, Lực Hành (Yên Sơn), có thời điểm chị nhận tăng ca xin nhận chạy cả tuyến Hùng Lợi, Trung Minh (Yên Sơn) để có thêm thu nhập. Chị bắt đầu thấy yêu công việc, dẫu ngày nào cũng băng băng trên đường kể cả khi trời nóng như đổ lửa và rét thấu xương. Chị bảo, thủa bé bố mẹ nuôi, lập gia đình thì chồng nuôi. Khi chồng mất, chị phải tự lo mọi chuyện, thấy cuộc đời lẻ loi nhưng công việc sẽ cuốn đi nỗi buồn, chị tin thế nên lúc nào chị cũng gắng sức. Chị nhớ lại buổi mới vào nghề, đường thành như mê cung... nhưng rồi mãi cũng quen, giờ chị thuộc từng con phố và nhiều đường đến bản làng xa xôi. Có hôm tối mờ đi giao hàng ngã lên ngã xuống vì đường lầy mưa, chị bặm chặt môi, khóc không thành tiếng, chợt nhớ lời mẹ dặn “đường đi mấy thành quen, việc tuy lạ rồi vững”, chị can đảm hơn. Chị nhớ có lần đi ship hàng về thôn, gặp khách say rượu, dù đã kiên nhẫn để hoàn thành công việc nhưng khách tỏ rõ ý đồ sàm sỡ, chị hoảng sợ, ga xe máy chạy thục mạng...

Vũ Đình Quyết mới vào nghề được 2 năm, nhưng nghe mỗi mẩu chuyện hài hước là cả sự nhọc nhằn, vất vả trải nghiệm với nghề. Trên tay 3 chiếc điện thoại, tôi chưa kịp thắc mắc, Quyết cười lẹ bảo: “Cái này em dùng chuyên gọi khách quen, cái này em để gọi khách hay “bom” hàng, cái này thì chỉ em gọi được đi mà không gọi đến được. Do tính chất công việc nên chúng em phải chuyên nghiệp vậy đấy” - Quyết chia sẻ.

Quyết nom già dặn hơn tuổi 28, nhưng đôi mắt sáng… Quyết bảo, chị biết không, có lần em phải lòng vòng quanh thành phố này cả tháng trời chỉ để giao hàng cho 1 chị khách. Hoàn hàng thì chủ shop không đồng ý mà khách thì hẹn năm lần bảy lượt. Nhiệm vụ của mình thì phải ngày ngày theo khách, cuối cùng khách vẫn bom hàng, em không hoàn thành nhiệm vụ. Lại có khách đặt hàng như “niềm đam mê”, đến giờ chỗ em vẫn có cả bao tải hàng của riêng khách đó, mỗi ngày họ nhận 1 đơn hàng, em hỏi thì khách bảo, hôm nào có tiền sẽ nhận. Quyết đành ngậm ngùi chấp nhận…

Nghề nào cũng cao quý

Chỉ cần sở hữu một chiếc xe máy, một điện thoại thông minh truy cập mạng và am hiểu về đường phố nơi mình sinh sống là ai cũng có thể trở thành một Shipper thực thụ.

Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, trước yêu cầu hạn chế tiếp xúc để ngăn ngừa dịch bệnh, khách hàng ưu tiên mua sắm trực tuyến thì nghề Shipper bỗng trở nên “hot” hơn bao giờ hết. Không đòi hỏi về bằng cấp, trình độ nhưng mức lương lại khá hấp dẫn khiến cho nghề này được nhiều người lao động lựa chọn. Tuy tiền công mỗi đơn hàng trong phạm vi dưới 20 km chỉ khoảng 5 nghìn đồng nhưng nếu khéo léo ghép lộ trình, mỗi Shipper có thể chuyển vài chục đơn mỗi ngày, đem lại thu nhập từ 10 đến 17 triệu đồng/tháng. Thời điểm này, đây là mức thu nhập mà nhiều người phải mơ ước.

Vũ Đình Quyết trước học kế toán, ra trường làm đúng nghề được đào tạo ở  Hà Giang 5 năm thì xin chuyển về làm gần nhà. Quyết nộp hồ sơ xin việc kế toán ở Viettel Tuyên Quang, nhưng ban đầu thử thách nên Quyết được phân ra bưu cục để làm công tác giao nhận hàng. Dù được phân công ngồi làm bàn giấy nhưng cậu một mực xin làm chân “chạy”. Quyết bảo, giờ gắn bó với nghề, em thấy vui và hào hứng đi trên mỗi cung đường mình chọn. Kết thúc ngày làm việc, Quyết về bưu cục và báo cáo khối lượng hoàn thành. Quyết phấn khởi khoe, “em sắp lên chức đấy, dịp tới em được phân công làm trưởng bưu cục đấy”. Lúc đầu, em nghĩ làm cái nghề Shipper này chỉ là cái anh đi giao hàng thôi, nhưng không phải thế, nghề nào cũng cao quý và nghề nào cũng có cơ hội làm “sếp”.

Anh Hải (bên trái) cùng đồng nghiệp đi giao hàng cho khách.

Mới vào nghề được 5 tháng, chàng trai 20 tuổi Tạ Đỗ Hải, sinh viên năm 2 của Trường Đại học Tân Trào đầy hào hứng khi kể về nghề. Hải nhận làm bán thời gian cho công việc này, sáng và tối em nhận hàng đi giao còn buổi chiều đi học. Ngày nào cũng vậy khi giao hàng hoàn tất em mới ăn cơm trưa. Hải chia sẻ, em muốn trải nghiệm với nghề này để tích lũy kinh nghiệm ứng xử, giao tiếp để làm điểm tựa cho tương lai. Học nghề kế toán, 4 năm sau ra trường đây sẽ là những kỷ niệm, là hành trang để em vững bước hơn.

Chuyện nghề Shipper của chị Thường và những chàng trai tuổi đôi mươi khiến tôi cay cay sống mũi nhưng cảm nhận được ở họ ánh lên niềm tin vào tương lai. Nghề nào cũng cao quý và cũng có cơ hội khi mỗi người đều nỗ lực, dấn thân - tôi tin như thế.

Phóng sự: Thùy Linh

Tin cùng chuyên mục