Học tập lý luận chính trị để áp dụng vào thực tế

- Lý luận chính trị có vai trò đặc biệt quan trọng trong cung cấp phương pháp luận để xử trí các công việc thực tế. Theo chủ tịch Hồ Chí Minh, “lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi"(1)

Thấm nhuần tư tưởng của Lênin: "Không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng", Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng việc giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên. Theo Người, nhiều cán bộ, đảng viên có kinh nghiệm, nhưng thiếu lý luận, hoặc không biết vận dụng lý luận vào thực tế, dẫn đến thực hành công việc không hiệu quả. Người ví: người có kinh nghiệm mà không có lý luận giống như người có một mắt sáng, một mắt mờ. Như vậy không thể xử trí công việc hiệu quả được. Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Người khẳng định: Mỗi chứng bệnh sinh ra do nhiều nguyên nhân. Nhưng kết quả nó đều làm cho người ta ốm yếu. Nguyên nhân của bệnh chủ quan là: kém lý luận hoặc khinh lý luận, hoặc lý luận suông"(2) và phải chữa cho được căn bệnh này... Lý luận phải đem ra thực hành. Thực hành phải nhằm theo lý luận. "Lý luận cũng như cái tên (hoặc viên đạn). Thực hành cũng như cái đích để bắn. Có tên mà không bắn, hoặc bắn lung tung, cũng như không có tên"(3)

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ mục đích của việc học lý luận là để áp dụng vào thực tế. Cần lưu ý: "không phải học để thuộc lòng từng câu từng chữ, đem kinh nghiệm của các nước áp dụng một cách máy móc mà phải học Chủ nghĩa Mác-Lênin để phân tích và giải quyết các vấn đề cụ thể của nước ta, phù hợp với điều kiện nước ta". Cụ thể như: vận dụng các quy luật của nền kinh tế thị trường vào phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta; hay mỗi địa phương cụ thể căn cứ vào điều kiện tự nhiên, xã hội và dân cư để lựa chọn phát triển những ngành nghề phù hợp để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân…

Trong bối cảnh các thế lực thù địch đang tìm cách chống phá Đảng, Nhà nước trên mọi lĩnh vực; việc trang bị kiến thức lý luận cho cán bộ, đảng viên để có lập trường tư tưởng vững vàng, biết cách xử trí công việc thực tế là hết sức  cần thiết. Năm 2022 là năm tập trung triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết chuyên đề, đề án của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh, thực hiện các khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ, cán bộ, đảng viên cần tập trung nâng cao hiệu quả học lý luận, nắm chắc chỉ thị, nghị quyết, đề án, triển khai thực hiện có hiệu quả tại cơ sở, tăng cường kiểm tra, giám sát và kịp thời điều chỉnh cho phù hợp. Cụ thể: vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ để đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ hợp lý, phát huy năng lực sở trường của cán bộ; vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết để phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, thực hiện mục tiêu kép: vừa phát triển kinh tế - xã hội vừa thích ứng an toàn, hiệu quả trong phòng, chống dịch Covid- 19; vận dụng lý luận của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng để làm cho Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ…

Kế hoạch số 147 - KH/TU ngày 14/01/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” xác định 12 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó “Đẩy mạnh đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng theo hướng chủ động, thiết thực, kịp thời và hiệu quả; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên về tầm quan trọng của nghiên cứu, học tập lý luận chính trị, đề cao trách nhiệm tự học, tự nghiên cứu của cá nhân; xây dựng kế hoạch học tập, bồi dưỡng lý luận chính trị định kỳ, thường xuyên đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý”, được xác định là nhiệm vụ thực hiện thường xuyên. Kế hoạch xác định vai trò quan trọng và sự cần thiết của việc trang bị kiến thức lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên.

Lý luận không chỉ ra cách thức giải quyết tình huống cụ thể, nhưng giúp mỗi người có bản lĩnh vững vàng, cung cấp phương pháp luận để xử trí tình huống cụ thể, không lệ thuộc, chờ đợi cấp trên. Cán bộ, đảng viên ở cơ sở cần thường xuyên, nỗ lực, bám sát chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, đồng thời chủ động xử trí công việc, hoàn thành chức trách, nhiệm vụ "công bộc của dân", khơi dậy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, cùng bước sang năm 2022 với nỗ lực và thành công mới./.

  An Nhiên                                   

(1); (2); (3) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, NXB Chính trị quốc gia, Sự thật, Hà Nội,  tr 273-274

Tin cùng chuyên mục