Lễ xin dâu của người Lô Lô đen thôn Khuổi Khon, xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc, Cao Bằng

- Hôn nhân là dấu mốc quan trọng của đời người, đồng thời thể hiện rõ nét đặc trưng trong văn hóa mỗi tộc người. Hôn nhân - cưới hỏi luôn có sự chọn lọc, thay đổi cho phù hợp hơn, dựa trên nền của bản sắc truyền thống văn hóa.

Tuy nhiên, đám cưới người Lô Lô đen ở thôn Khuổi Khon lại có một nghi thức vô cùng độc đáo tồn tại hàng trăm năm và đến nay vẫn còn được thực hiện một cách nghiêm cẩn. Đó là Lễ xin dâu.

Nhà trai mang sính lễ đến xin dâu trong đám cưới của người Lô Lô đen.

Như hiện nay, lễ cưới  của người Lô Lô đen thường tổ chức trong 2 - 3 ngày và Lễ xin dâu sẽ được thực hiện vào ngày cuối. Chọn giờ lành, đoàn nhà trai sang nhà gái để xin dâu. Dẫn đầu là đôi quan lang, tiếp sau là chú rể và phù rể, cùng 8 người khiêng lễ. Sính lễ tối thiểu là 120 cân thịt lợn, 120 lít rượu, 120 cân gạo, cá lam 5 cái, xôi 5 gói và tiền mặt thì nhiều hay ít còn phụ thuộc vào số lượng anh em ruột thịt trong gia đình cô dâu.

Quan lang nhà gái hát đối trong lễ xin dâu.

Đoàn nhà trai đến cầu thang, phải dừng 10 phút để nhà gái làm thủ tục cúng và kiểm sính lễ. Sau đó mới được phép bước lên cầu thang, vào nhà, tiến hành nghi lễ chào hỏi.

Màn chào hỏi, hai họ cùng nhau uống rượu như một nghi thức thanh tẩy trước khi bước vào nghi lễ trọng đại: quan lang hai bên trao đổi về các khoản tiền cưới.  

Nhà gái chuẩn bị hồi môn cho cô dâu.

Cũng như hầu hết các dân tộc khác, tiền cưới nhà trai mang sang nhà gái là tập tục bắt buộc. Nhưng có lẽ, hiếm có dân tộc nào lại có nhiều khoản cụ thể như trong đám cưới của người Lô Lô đen. Ngoài tiền dẫn cưới (nò má) còn hàng loạt các khoản khác như: tiền biếu quan lang nhà gái (sả pa mồ trà phù); tiền trả cho bố mẹ (pà ma sủ cô); tiền trả cho anh em trai (ủ pje); tiền nhận thông gia (phù ổ); tiền đến giờ cô dâu xuống sàn (phi nò). Đó là lời cảm tạ của nhà trai dành cho các vị quan lang nhà gái, là  sự thể hiện lòng biết ơn của nhà trai đối với công sinh thành dưỡng dục của cha me, sự yêu thương đùm bọc của anh em ruột thịt, họ hàng, xóm làng… đối với cô dâu. Từng khoản tiền được nhà trai gói riêng bằng giấy đỏ. Mỗi khoản tiền được trao - nhận đều được quan lang 2 bên đối đáp bằng lời hát. Chẳng hạn, khi trao tiền cảm ơn cha mẹ cô dâu (pà ma sủ cô), quan lang nhà trai sẽ hát:        

Pa nì ma nì là

Mồng nì mí nì là

Ổ nì gia nỉ là

Vì nì ní nì là

Tố nì mo nì là

Lò chóng trò pòa tù

Pì zô na trồ

Kề tù pồng trò

Khuể tỳ nì trò

Mìa tà ku

Rè sóng trò

Pa pù mà pù

Chóng chồ tàm chồ

Pa bể ma bể

Chê pù tò pú khủ chủ xủ gia

Thá co kéo già

Chê mê nì quỳ men trồ

Tồ bóng mì pui bóng chồ

Pà lồ ma lồ chê sủ ta po la.

Tạm dịch:

Nay có cha có mẹ,

Có cô bác họ hàng.

Lại có chị có em,

Cùng bà con thôn bản.

Nay con vác cáng không,

Giỏ đeo cũng trống rỗng.

Không có vàng có bạc,

Xôi chỉ có một 2 nắm.

Cá lam có một ống,

Cùng với tấm lòng thành

Biết ơn cha ơn mẹ.

Rượu hồng con đã uống,

Cái bụng cũng đã no.

Miệng ăn miệng uống có,

Mà không biết gửi thưa.

Biết nói sao cho vừa

Tấm lòng ơn cha mẹ.

Quan lang nhà gái đáp lại:

Pa nì ma nì là

Mồng nì mí nì

Ổ nì gia nỉ

Vì nì ní nì

Tố nì mo nì

pòa tù nì là

Pì zô na trồ na nì lả

Kề tù pồng nì

Khuể tù pồng nì 

Mìa tà ku

Rè sóng trò

Pa pù lề ma pù lề

Ví lù lu lù chê

Ba bể ma bể.

Tạm dịch:

Nay có cha có mẹ,

Có cô bác họ hàng.

Lại có chị có em,

Cùng bà con thôn bản.

Nhà trai khiêng cáng nặng,

Giỏ cũng đeo trĩu vai.

Có vàng và có bạc,

Ống lam với cả xôi.

Dâng lên cha lên mẹ,

Cùng cô bác xóm làng

Nào cùng ăn cùng uống,

Cùng ơn mẹ ơn cha.

Nhà trai cùng nhà gái uống rượu trước khi ra cửa về nhà chồng.

Hoàn thành phần trao sính lễ và các khoản tiền cưới, thủ tục xin dâu tiếp tục được thực hiện qua màn đối đáp của quan lang hai bên. Nhà trai bày tỏ sự mừng vui, nâng niu, trân trọng cô dâu. Đón được nàng dâu về như có được “chìa vàng” “chìa bạc”, gia bảo trong nhà. Nhà gái cũng không nén nổi niềm hạnh phúc, tin tưởng trao “chìa vàng”, “chìa vàng” cho nơi chốn xứng đáng. Nhưng cũng không quên  dặn dò đôi vợ chồng trẻ về cách đối xử với nhau, với nội ngoại hai bên:

Ăn ở phải biết điều.

Bát đĩa ở trong chạn,

Còn lúc va lệch nhau.

Vợ chồng nếu to tiếng

Đừng động chạm mẹ cha.

Đồng thời, cũng không quên lời gửi gắm, mong cầu yêu thương của ông bà thông gia dành cho con gái mình:

Con dâu còn vụng dại,

Ông bà hãy dạy cho.

Xem dâu như con gái,

Về chăm sóc mẹ cha

Đúng như tính cách vốn có của người Lô Lô đen, nhà gái thẳng thật giao hẹn với nhà trai:

Dâu ăn ở không phải,

Xin trả về mẹ cha.

Đừng nói chuyện lòng vòng

Làm đau lòng cha mẹ.

Ẩn trong lời giao hẹn ấy còn là tấm lòng yêu thương, bao dung, chở che của mẹ cha với con gái. Dẫu có gặp phải cảnh ngộ nào, thì ngôi nhà này, bậc thang này vẫn là nơi con có thể trở về bất cứ lúc nào. Đón dâu từ tay những người phụ nữ trong gia đình cô dâu, trước khi ra khỏi cửa, nhà trai làm thủ tục uống rượu nhận dâu. Trong mâm rượu, có để lẫn một bát nước. Nếu quan lang nhà trai cầm đũa chọc phải bát nước thì cả đoàn nhà trai không được uống rượu. Còn nếu chọn đúng bát rượu sẽ được uống hết cả mâm rượu. Uống cho tròn, cho đẹp như lời cảm ơn nhà gái và chúc phúc cho đôi vợ chồng trẻ.

Thời gian có thể làm cho nhiều thứ đổi thay, song giữa đại ngàn xanh thẳm bốn bề mây phủ của thôn Khuổi Khon, những nghi thức độc đáo trong Lễ xin dâu của dân tộc Lô Lô đen vẫn được bảo tồn tốt đẹp. Không chỉ có giá trị văn hóa đặc trưng truyền thống, Lễ xin dâu còn thể hiện cách ứng xử, đạo lý tốt đẹp, tinh thần nhân văn sâu sắc của đồng bào Lô Lô đen.

--------------------------------------

Bài viết là sản phẩm của Đề tài nghiên cứu “Xây dựng mô hình sinh kế gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống cho cộng đồng một số DTTS có điều kiện khó khăn khu vực miền núi phía Bắc”. MS: ĐTCB.UBDT.05.22.24

Phạm Thị Phương Thái                  

Trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên

Tin cùng chuyên mục