Khi “áo sơ mi” xuống đồng

- Hình ảnh những cán bộ xã mướt mồ hôi, xắn tay áo cùng nông dân chăm sóc, thu hoạch nông sản không còn xa lạ tại nhiều địa phương. Để nâng cao thu nhập cho người dân, cán bộ nhiều xã đã trực tiếp tìm kiếm những cây trồng mới, chủ động liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã bao tiêu toàn bộ nông sản cho bà con. Những chiếc áo sơ mi lẫn với đồng đất quê hương, đem lại thu nhập cao và thêm niềm tin cho người nông dân có thể làm giàu trên mảnh đất quê mình.

Không để nghèo trong cơ hội

Cả vùng đất ruộng ở Bản Bó, xã Thượng Lâm (Lâm Bình) nhiều năm nay chỉ trồng được 1 vụ lúa, 1 vụ ngô. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng là điều mà bà con mong chờ lắm, nhưng lại ngại câu chuyện đầu ra. Nên cứ thu hoạch lúa mùa xong lại để đất không, chờ đến vụ xuân gieo vài sào ngô, không bán được thì mang về chăn trâu, chăn lợn.

Vụ xuân năm 2021, Thượng Lâm có chủ trương đưa cây lạc về trồng thành vùng hàng hóa, với diện tích thực hiện gần 38 ha. Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Lâm Quan Văn Sỹ bảo, kế hoạch là một chuyện, vận động được người dân làm theo lại là chuyện khác, vì lâu nay, bà con đã quen với ngô, lúa đơn thuần. Thêm nỗi lo nữa, là câu chuyện đầu ra. Cây lạc không phải là cây trồng lạ với người nông dân ở Thượng Lâm, trước đây, bà con cũng đã từng đưa vào trồng một vài ha, nhưng cứ đến vụ thu hoạch, tư thương từ các nơi đến mua với giá rất thấp, nên không mấy người mặn mà.

Mô hình măng tây của xã Thiện Kế bắt đầu được thực hiện từ chính những cán bộ xã, đem lại niềm tin cho nhân dân. Ảnh: Trần Liên

Vốn được xem là mảnh đất năng động nhất nhì các xã vùng hạ huyện Sơn Dương, người dân xã Thiện Kế cũng luôn tự tìm kiếm nhiều loại cây trồng mới để nâng cao thu nhập, từ cây ớt, bí xanh đến đậu đỗ rau màu các loại… Có điều, vì loay hoay theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, nên đầu ra bấp bênh, khiến bà con nhiều lần rơi vào cảnh được mùa mất giá, mất mùa được giá. Phó Chủ tịch UBND xã Thiện Kế Trương Minh Đăng bảo, Thiện Kế hiện có khoảng 80 ha đất ruộng 1 vụ lúa và 120 ha đất soi bãi. Đây là cơ hội để người nông dân trong xã cải thiện thu nhập từ các loại rau màu. Không để nông dân nghèo trong khi cơ hội làm giàu từ đất đai quê mình sẵn như vậy, những cán bộ ở Thiện Kế đã chủ động đi nhiều nơi, từ Phú Thọ, Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) đến Hà Nội để lựa chọn được loại cây trồng phù hợp nhất về nhân rộng tại địa phương. Sau một thời gian nghiên cứu, năm 2018, xã Thiện Kế nhận thấy, cây măng tây là cây trồng có đầu ra ổn định, giá bán cao và được thị trường ưa chuộng. Những bước đi đầu tiên, từ tìm kiếm đơn vị cung cấp cây giống, đến tập huấn hướng dẫn kỹ thuật và liên kết doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm được đội ngũ lãnh đạo xã chuẩn bị kỹ càng, mục tiêu “đã làm là chắc thắng”!

Những người tiên phong

Những người đầu tiên đưa cây măng tây về trồng trên đất ruộng 1 vụ ở Thiện Kế là Phó Chủ tịch UBND xã Trương Minh Đăng, Phó Chủ tịch HĐND xã Diệp Văn Chính và Phó Công an viên Trần Văn Tuyên và một số cán bộ thôn. Diện tích lúc đầu chỉ 3.000 m2.

Phó Chủ tịch UBND xã Trương Minh Đăng bảo, những ngày đấy ngày nào hết giờ làm việc mình cũng ra thăm đồng. Măng tây là loại cây dễ trồng, nhưng vì lần đầu tiên đưa về đồng đất quê hương, lại chủ trương nhân rộng mô hình ra cho người dân, nên mình áp lực hơn. Hình ảnh ông cán bộ xã mướt mồ hôi, ngày mưa thì khơi rãnh để nước mưa không ứ đọng, dựng buộc từng gốc măng tây để cây không gẫy đổ; nắng nóng thì giải dây tưới nước, lo sao cho cây không chết héo… trở nên quen thuộc với người dân quanh vùng. Rất may, sau gần 9 tháng, vườn măng tây của gia đình ông Đăng lên tốt, đều đặn mỗi ngày cho từ 3 đến 5 kg mầm măng tây, mỗi tháng cho thu hoạch từ 18 đến 21 ngày, thời gian thu hoạch ổn định từ 8 đến 9 tháng trong 1 năm. Những ngày chưa có đủ sản lượng cung cấp cho Công ty TNHH Rau củ quả Dũng Hà, ông Đăng liên hệ trực tiếp với Cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm OCOP Tâm Hương ở thành phố Tuyên Quang thu mua, giá ổn định là 50 nghìn đồng/kg. Thấy cán bộ xã làm tốt, đầu ra ổn định, người dân quanh vùng Thiện Phong, Văn Sòng, Cây Xi… dần học cách làm theo. Từ 3.000 m2, sau gần 3 năm diện tích măng tây ở Thiện Kế tăng lên 3,5 ha, với 22 hộ tham gia vào chuỗi liên kết.

Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Lâm Quan Văn Sỹ cùng xuống đồng, thu hoạch, đóng bao, vận chuyển lạc.

Chủ tịch UBND xã Thiện Kế Nguyễn Văn Lợi phấn khởi, vừa rồi, dự án do Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (Koica) đã đến xã khảo sát xây dựng phương án hỗ trợ để nâng cao chất lượng nông sản địa phương. Để đảm bảo vững chắc hơn chuỗi liên kết sản xuất măng tây ở địa phương, Thiện Kế đề xuất hỗ trợ hệ thống tưới nhỏ giọt cho toàn bộ diện tích măng tây và đầu tư công nghệ chế biến trà măng tây để tận dụng những cây măng tây già đã hết tuổi cho khai thác mầm non. Nếu được, ngoài sản phẩm mầm măng tây, Thiện Kế sẽ có thêm một sản phẩm được đầu tư công nghệ chế biến sâu, tham gia vào nhóm sản phẩm OCOP địa phương.

“Thừa thắng xông lên”, cuối năm 2020, đầu năm 2021, lãnh đạo xã Thiện Kế thêm tự tin đưa vào một loại cây trồng mới theo chuỗi liên kết là bí bao tử. Xã thành lập Hợp tác xã Thái Thiện để làm đầu mối thu mua sản phẩm cho bà con và đóng gói vận chuyển măng tây, bí bao tử về Công ty TNHH Rau củ quả Dũng Hà ngay trong ngày để đảm bảo chất lượng.

Không thuận lợi như ở Thiện Kế, nhưng lãnh đạo xã Thượng Lâm cũng đã tìm được giải pháp để đưa cây lạc về thay thế những cây trồng kém hiệu quả ở địa phương theo hình thức xã tổ chức họp thôn, thôn tổ chức họp đến dân, vừa vận động, vừa cam kết kết nối đầu ra. Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Minh Quang - đơn vị bao tiêu sản phẩm - cam kết cho vay trước lạc giống, giá bán mỗi kg lạc giống là 45 nghìn đồng, thì huyện trợ giá 5 nghìn đồng, xã trợ giá 5 nghìn đồng/kg. Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Bản Bó Quan Ngọc Cận bảo, thuận lợi là thế mà vận động bà con trồng có dễ đâu. Thôn phải họp đến 3 - 4 lần, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn phải cam kết không có đầu ra thì xin… nghỉ việc luôn, bà con mới tin đấy. Nhờ thế, gần 15 ha đất ruộng 1 vụ lúa của Bản Bó được bà con thay thế cây ngô bằng cây lạc.

Đúng thời điểm gieo trồng, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, UBND xã Thượng Lâm phân công cán bộ đến từng thôn, hướng dẫn cách làm đất, gieo trồng, chăm sóc. Không mở được các lớp tập huấn, xã in tài liệu phát cho dân, phần nào chưa hiểu cán bộ lại đến từng hộ để hướng dẫn.

Đến vụ thu hoạch, cán bộ xã lại đến tận chân ruộng, cùng bà con nhổ từng gốc lạc, rồi nhễ nhại vác từng bao củ giao luôn cho đơn vị thu mua. Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Lâm Quan Văn Sỹ bảo, hầu như anh em trong Ủy ban đều có mặt cùng bà con thu hoạch, cân từng bao lạc. Là bởi, ngay từ lúc chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch, nhiều tiểu thương đã đến tận chân ruộng để ngã giá. Nếu mình không sát sao như thế, thì nông dân mình vừa chịu thiệt vì bị ép giá, mà có khi hợp đồng xã đứng ra ký kết với Hợp tác xã cũng “vỡ trận” luôn, bởi tâm lý muốn có tiền tươi, chỗ nào có lợi thì làm của nông dân mình vẫn còn.

Mỗi kg lạc tươi được Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Minh Quang thu mua với giá từ 10,5 đến 11 nghìn đồng. Nếu trước đây mỗi sào trồng cây khác chỉ đem lại nguồn thu khoảng 1,2 triệu đồng/vụ, thì giờ tăng lên gấp 3 gấp 4 lần. Nhiều nhà, như nhà ông Quan Văn Nam, trồng hơn 10 sào, thu về 20 triệu đồng; Hoàng Văn Bành trồng hơn 4 sào cũng thu về hơn 10 triệu đồng.

Những cán bộ “miệng nói tay làm”, thay hình ảnh áo sơ mi cổ cồn bằng việc sẵn sàng lội ruộng, cầm tay chỉ việc để nhân dân cải thiện sinh kế đã góp phần tăng thêm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, của chính quyền. Như khẳng định của Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Bản Bó Quan Ngọc Cận: “Qua vụ lạc này, bà con yên tâm lắm. Nhà nào cũng bảo, năm sau không trồng cây gì khác nữa, cứ trồng lạc theo lời cán bộ xã bảo thôi. Mục tiêu của Bản Bó là mở diện tích lạc vụ xuân năm sau lên hơn 20 ha, mà có khi còn nhiều hơn đấy!”.

Ghi chép: Trần Liên

Tin cùng chuyên mục