Tích cực thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ vì sự phát triển của đất nước

- Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác cùng có lợi. Kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”. (Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập một, trang 162, 163).

Như vậy có thể thấy, từ chủ trương “muốn làm bạn” (Đại hội VII năm 1991), “sẵn sàng là bạn” (Đại hội IX năm 2001), “là đối tác tin cậy” (Đại hội X năm 2006) đến “là đối tác tin cậy”, “là thành viên tích cực, có trách nhiệm” trong cộng đồng quốc tế là cả một quá trình bổ sung, hoàn thiện đường lối đối ngoại của Đảng ta, thể hiện sự phát triển nhận thức của Đảng ta về đối ngoại qua mỗi giai đoạn lịch sử, bắt nhịp cùng sự phát triển của thời đại, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước. Phát triển về tư duy quan điểm đối ngoại của Đảng thể hiện ở việc đổi mới nhận thức về hợp tác và đấu tranh, từ quan niệm “địch - ta” sang “đối tác - đối tượng” trên cơ sở lợi ích quốc gia, dân tộc. Sự chủ trương tôn trọng độc lập chủ quyền, quan hệ hữu nghị và hợp tác bình đẳng có lợi đều là đối tác của chúng ta. Thế lực nào âm mưu và hành động chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng đấu tranh. Với sự nhìn nhận trên thì có thể thấy trong một số đối tác vẫn còn có mặt phải đấu tranh bằng hình thức thích hợp; đồng thời trong mỗi đối tượng vẫn có mặt chúng ta có thể tranh thủ hợp tác.

Đảng ta cũng nhận thức thực tế hơn về hội nhập quốc tế. Từ chỗ “phá thế bao vây, cấm vận” tiến đến “hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới” và tiếp theo là “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế” toàn diện và sâu rộng. Thông qua đó Đảng ta đã có chính sách đối ngoại mềm dẻo trong quan hệ với các nước láng giềng trong khu vực, các nước lớn, từng bước đưa các mối quan hệ đi vào chiều sâu.

Có thể nói, Đảng ta đã nhận thức một cách nhanh nhạy và kịp thời những thay đổi nhanh chóng, phức tạp của tình hình thế giới, từ đó tích cực, chủ động đổi mới tư duy, hoàn thiện đường lối đối ngoại, chủ động hội nhập khu vực và thế giới. Thông qua đó, thúc đẩy mạnh mẽ các mối quan hệ đối ngoại song phương và đa phương, phát huy tốt vai trò của mình trên các diễn đàn khu vực và quốc tế như Liên Hợp Quốc, ASEAN, ASEAM..., qua đó tận dụng được nguồn lực, sự ủng hộ của quốc tế đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đồng thời duy trì được môi trường hòa bình, ổn định để phát triển và bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và nền độc lập của dân tộc. 

Hoàng Bách

Tin cùng chuyên mục